Đêm muộn trước ngày Giáng sinh, Rémy Gastambide, 54 tuổi, xem những tài liệu liên quan tới quá trình tìm mẹ mà anh giữ gìn như sinh mạng. Đó là tờ giấy chứng nhận cho con của cô nhi viện, là ảnh mình ngày thơ bé, ảnh cha trong chiến tranh Việt Nam.
Cuối cùng, anh dừng lại ngắm ảnh mẹ. Trong hình là cô gái trẻ chụp trong công viên dịp Giáng sinh cuối thập niên 1970 với mái tóc, trang phục thời thượng của phụ nữ Sài Gòn thời đó. Tấm ảnh này vốn nằm trong cuốn album thời chiến của cha anh, ông Stewart Foster Jr, suốt 50 năm. Gần đây, ông đưa cho Rémy với hy vọng giúp ích cho con.
"Mấy chục năm tìm mẹ không manh mối, giờ đây tôi hy vọng bức ảnh này và câu chuyện của mình sẽ có phép màu xảy ra", Rémy Gastambide, một họa sĩ sống ở thành phố Nice, miền đông nam nước Pháp, chia sẻ.
Trong hồ sơ, Rémy được khai sinh tên Nguyễn Bác Ái (không rõ mẹ hay cô nhi viện đặt), sinh ngày 1/1/1969 được gửi vào cô nhi viện Thông Thiên Học số 468, Võ Di Nguy, quận Phú Nhuận từ 20 ngày tuổi. Khi 8 tháng, cậu bé được cặp vợ chồng Gastambide, người Pháp nhận nuôi.
Cậu bé gốc Việt lớn lên hạnh phúc bên cha mẹ nuôi là những nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và một người anh trai cũng được nhận nuôi cùng thời điểm, cùng một cô nhi viện.
Trước 14 tuổi, Rémy không biết gì về Việt Nam ngoại trừ việc được cho biết mình sinh ra ở đây. Trong một lần xem một tạp chí ảnh có chuyên đề về chiến tranh Việt Nam, ngay lập tức Rémy bị cuốn hút như thể chúng mang trong đó những bí mật về nguồn gốc của mình. Cậu thiếu niên bắt đầu sưu tập hàng nghìn bức ảnh, cuối cùng phát hiện bố mẹ nuôi hoàn toàn không biết gì về cha mẹ ruột của mình.
"Tin tức này làm tôi choáng váng. Tôi nghĩ rằng vấn đề nhận con nuôi của mình không phải như những gì được nghe hay giấy tờ viết", Rémy chia sẻ.
Từ lúc này, cuộc đời của Rémy chỉ có một mục tiêu: Tìm hiểu mình là ai, đến từ đâu và nơi đó như thế nào. "Tôi cũng chỉ có một mong muốn: Trở lại Việt Nam để tìm cha mẹ đẻ", ông kể.
Phát hiện này đã thay đổi quá trình trưởng thành của Rémy. Giữa một bên không muốn cha mẹ nuôi buồn, với một bên là khát khao tìm nguồn cội, khiến cậu thiếu niên trở nên khó bảo, chống đối mỗi khi cha mẹ ngăn cản mình.
Đầu những năm 1990, quan hệ Việt Nam và Mỹ bước vào tiến trình bình thường hóa. Nhiều Việt kiều trở về tìm kiếm người thân bị ly tán bởi chiến tranh. Giống như họ, chàng trai 22 tuổi đặt chân đến Việt Nam tháng 7/1991, bằng số tiền tiết kiệm suốt hai năm. Bất chấp việc cha mẹ nuôi phản đối, anh nhấn mạnh chuyến đi này là một "vital need" (nhu cầu sống còn).
Nhưng cô nhi viện đã giải thể từ năm 1975, Rémy không thể tìm thấy bất kỳ hồ sơ nào về mình. Bằng nhiều cách khác nhau, chàng trai đã gặp được viện trưởng và người vú nuôi song họ cũng không thể cho thêm chút manh mối nào. Suốt 6 tuần xới tung tất cả, anh buộc phải trở về nước.
Từ đó đến năm 2006, Rémy đến Việt Nam 7 lần chỉ với một mục đích tìm kiếm dấu vết của mẹ. Song song, anh nhờ người quen và chia sẻ thông tin lên một số tờ báo Pháp và Việt Nam để tăng cơ hội tìm mẹ.
"Mỗi khi đi trên đường, tôi đều cố gắng nhìn thật kỹ những người mẹ Việt Nam, so sánh với nước da của mình và tưởng tượng trong số ấy có mẹ", Rémy kể.
Cuộc tìm kiếm mẹ ruột tưởng chừng đã bỏ cuộc.
Năm 2019, tin một người bạn Mỹ tìm thấy gia đình nhờ ADN làm Rémy dấy lên hy vọng. Rất nhanh, ông thực hiện hàng loạt thử nghiệm với các phòng xét nghiệm 23&Me, Ancestry, Myfamilytree, MyHeritage. Đây là những kho dữ liệu ADN lớn trên thế giới, một mặt có thể giải mã nguồn gốc của một người, mặt khác kết nối họ với người có liên quan máu mủ trong cùng hệ thống.
Kết quả cho thấy ADN của Rémy khớp với một người da đen nào đó. Cánh cửa nhà nội dần hé mở khi mỗi ngày ông lại nhìn thấy những cái tên, những gương mặt xác nhận có quan hệ họ hàng. "Mỗi người trong số họ giống như một mảnh ghép. Đến một ngày tôi phát hiện mình có một gia đình ở Mỹ, nguồn gốc của họ ở bang Mississsippi", ông nói.
Trong một cuộc kiểm tra ADN với một người (hiện là chú ruột), Rémy đã xác định được cha mình là Stewart Foster Jr, 78 tuổi. Khi được kết nối, ông Stewart vô cùng sốc. Ký ức chiến tranh vẫn hành hạ ông từng đêm.
Người con đã trấn an: "Con không phải là chiến tranh mà là hậu quả của nó. Con không có gì muốn chất vấn cha. Con chỉ muốn gặp cha".
Tháng 7/2021, họa sĩ người Pháp nhận lời đến dự cuộc họp mặt hàng năm của gia đình nội tại thành phố Natchez, bang Mississippi. Chào đón anh là người cha và bốn người em, ba gái - một trai cùng rất nhiều các cháu và họ hàng. Trong bữa cơm đoàn tụ, người đàn ông trung niên không kìm được nước mắt khi chia sẻ về hành trình đi giải câu đố cha mẹ ruột là ai.
"Con đã đi tìm cha mẹ từ năm 14 tuổi. Lúc tưởng như sắp bỏ cuộc thì con biết tới ADN. Con tự nhủ đây là cơ hội cuối cùng để giải câu đố. Thật tuyệt vời sau 35 năm, con đã tìm thấy cha", Rémy nói.
Hơn 60 người thân cảm động trước hành trình tìm nguồn cội đằng đẵng. Bất chấp khoảng cách, ngày nay họ giữ liên lạc thường xuyên.
Từ đây, Rémy biết được cha mẹ gặp nhau trong một khu quân sự gần sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968. Ngày ấy, Stewart đóng quân ở Pleiku, mỗi tháng một lần đưa lính Mỹ tử trận về Tân Sơn Nhất để hồi hương. Họ chỉ gặp nhau hai lần, khi quay lại, người lính trẻ không thể tìm thấy cô gái nữa. Đến nay người cựu binh không còn nhớ tên nhưng vẫn giữ một bức ảnh của bà.
"Cha không nhớ được tặng bức ảnh khi nào nhưng đó chính là cô ấy, mẹ của con", ông nắm tay con trai, trao lại bức ảnh.
Từ bước ngoặt này, Rémy quyết tâm tái khởi động hành trình tìm mẹ. Anh không biết bà còn sống hay đã chết, sống ở Việt Nam hay nước ngoài, quê ở đâu, có bao nhiêu con. Nếu còn sống bà sẽ như thế nào khi biết anh đang tìm kiếm. Liệu bà có gặp anh hay từ chối lần nữa.
Rémy đã sẵn sàng cho mọi thứ. Anh sẽ nói với mẹ rằng chỉ muốn gặp người sinh ra mình. Anh càng không đánh giá hành động trong quá khứ của mẹ.
"Mẹ cũng giống như tôi và bố, đều là nạn nhân của chiến tranh", người con lai bộc bạch.
Một số hình ảnh tìm mẹ của Rémy.
Phan Dương