Chương trình Giai điệu tự hào với chủ đề "Ăn no đánh thắng" sẽ lên sóng vào ngày 26/4. Các ca khúc biểu diễn trong chương trình ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dịp lễ 30/4.
Khách mời đặc biệt trong chương trình là danh họa Phan Kế An. Ông đã sống qua hai thế kỷ, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Danh họa từng vẽ hơn 20 tấm chân dung Hồ Chủ tịch.
Doanh họa chia sẻ, năm ngoái ông vẫn còn vẽ được nhưng từ năm nay, sức khỏe không cho phép nên việc sáng tác cũng bị gián đoạn. Dù vậy ông vẫn day dứt mãi bởi lời hứa với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp chưa thành. Đó là về bức họa vẽ Đại tướng đêm trước trận đánh lịch sử tại Mường Phăng.
Ở tuổi 91, họa sĩ Phan Kế An vẫn nhớ tường tận từng chi tiết lúc bấy giờ: Trung ương truyền lệnh dùng chiến thuật “Đánh nhanh thắng nhanh”, nhưng sau khi nghiên cứu trận địa, Đại tướng thấy không thể áp dụng chiến thuật này mà đổi sang “Đánh chắc thắng chắc”. Buổi tối hôm ấy, Đại tướng một mình suy nghĩ về việc thay đổi chiến thuật. Nhờ thế mà Việt Nam đã có một chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.
“Tôi có gặp Tướng Giáp nhiều lần để trao đổi với ông về giờ phút lịch sử ấy, hỏi cả trang phục đêm ấy ông mặc nữa. Sau nhiều lần phác thảo, tôi vẫn chưa thể hoàn thành bức tranh này. Câu chuyện ấy thể hiện được trên tranh rất khó. Đến giờ, tôi vẫn nợ Tướng Giáp bức tranh", danh họa Phan Kế An ngậm ngùi.
Ông tâm sự, nếu tuyến đường sắt vào Quảng Bình hoàn thành và nếu có cơ hội được sống đến ngày ấy, ông nhất định sẽ vào thăm mộ Đại tướng để gửi lời xin lỗi.
Họa sĩ cũng kể lại nhiều ký ức thời chiến. Năm 1954, ông bị ốm nặng phải cấp cứu ở bệnh viện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) nên không thể góp mặt cùng đoàn văn nghệ sĩ tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Một năm sau, khi có dịp lên lên Mường Phăng, thăm nơi chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi sang đồi A1, hầm Đờ Cát, Cánh đồng Điện Biên Phủ, ông bắt gặp cạnh giao thông hào là hàng chục nghìn chiếc mũ sắt bị vứt lại trên mặt đất. Chiếc còn lành lặn, chiếc vỡ tung bởi sức dội của bom đạn. Ông đã gặp một số đồng chí lúc bấy giờ chịu trách nhiệm trông giữ chiến trường và nói: “Hàng vạn chiếc mũ này nên gắn lên các bức tường của bảo tàng Điện Biên Phủ. Nó sẽ gây một ấn tượng mạnh về chiến thắng của chúng ta”.
Tuy nhiên, vừa qua cuộc chiến, kinh tế lại khó khăn, người dân chẳng đủ ăn nên không còn tâm trí để xây dựng bảo bàng. Lời đề nghị của danh họa không khả thi. Vài năm trước, khi tách tỉnh Điện Biên, ông vẫn ấp ủ nếu bây giờ bỏ công sức vào nhà dân để gom những chiếc mũ ấy thì vẫn còn nhiều lắm.
"Hồi ấy, dân quanh vùng lấy mũ về đựng thức ăn cho gia súc rất nhiều. Tôi có mang về hai chiếc mũ. Một chiếc bị đạn bắn thủng từ dưới cằm chéo sang trán. Còn một chiếc do đại bác bắn nổ tung nhưng vẫn còn hình. Sau này, một anh bạn Thái Lan sang chơi, anh thích chiếc bị bắn tung ấy nên tôi đã tặng anh như một minh chứng của lịch sử Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên. Chiếc còn lại tôi vẫn giữ. Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở 25 Tông Đản, Hà Nội có mượn để trưng bày rồi”.
Ngoài danh họa Phan Kế An, trên ghế khách mời bình luận còn có: nhạc sĩ Nguyễn Cường, phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái, nhiếp ảnh gia Na Sơn, họa sĩ Đinh Công Đạt, giám tuyển nghệ thuật Như Huy... trong "Giai điệu tự hào" số thứ tư.
Sinh năm 1923 tại Sơn Tây, họa sĩ Phan Kế An từng là chiến sĩ cách mạng và tham gia Việt Minh cùng các họa sĩ đàn anh: Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Phan Thông. Phan Kế An là người đầu tiên được ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do cố Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ vào năm 1948. Trong thời gian này ông đã sáng tác hơn 20 bức tranh về Hồ Chủ tịch. Hầu hết văn nghệ sĩ lớn của Việt Nam thời đó như: Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Hoàng Cầm, Anh Thơ đều được Phan Kế An ký họa. Ngoài ký họa chân dung, ông còn nổi tiếng trong các thể loại tranh đả kích, châm biếm. |
Tâm Giao