Triển lãm mang tên "Phi lập thể - Chân dung 2016" của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân vừa khai mạc tại số 23, Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM.
Bước vào phòng triển lãm rộng 300 mét vuông, người xem có thể choáng ngợp trước nhiều bức tranh sơn dầu khổ lớn, kích thước 2m x 2m đến 2m x 5m. Họa sĩ sắp xếp các bức họa to xen giữa tranh khổ nhỏ. Ngoài tranh, không gian được trang trí bằng những sản phẩm tái chế như chậu hoa nhựa, giấy xi măng tạo thành vỏ gối... Xét tổng thể, phòng tranh gây ấn tượng ấm áp nhờ sự hòa quyện, níu kéo về mặt thị giác của các sắc độ màu dày đặc.
Khi đến gần từng bức vẽ, người thưởng lãm cảm nhận được chất liệu sơn dầu cộm dày qua hình ảnh những đường dây màu, những dải sơn dầu xoắn ngang dọc trên nền vải bố. Thoạt trông, chúng như một sự hỗn loạn của màu sắc, nhưng ngắm kỹ, có thể thấy rõ hình khối hiện ra sau dải màu khắc họa nhiều khuôn mặt người.
Kỹ thuật phối, trộn, dẫn dắt dây màu của Nguyễn Quốc Dân tạo nên sự tương phản giữa "lập thể" và "phi lập thể". Nguyễn Quốc Dân không lý giải nhiều về cảm xúc và ý tưởng của các tác phẩm, cũng không đặt tên tranh. Người họa sĩ muốn để khán giả được trọn vẹn với cảm xúc và suy nghĩ của họ. Đó có thể là chân dung một người bạn mà họa sĩ yêu quý, chân dung mẹ của anh, hoặc bức họa một người tình cờ để lại dấu ấn cho anh trên đường phố đông đúc. Mỗi khuôn mặt là một cảm xúc với những hỉ, nộ, ái, ố và những trầm tư, sâu lắng của con người.
Để hoàn thành các tác phẩm, Nguyễn Quốc Dân dùng khối lượng màu vẽ rất lớn. Riêng chi phí về sơn cho mỗi bức vẽ lên tới hàng chục triệu đồng (một tuýp màu nhỏ loại tốt của Nhật Bản có giá hơn 100.000 đồng). Họa sĩ đã tích góp trong thời gian dài, cộng thêm sự giúp sức của người thân để có đủ chi phí thực hiện đam mê.
Một trong những người mà Nguyễn Quốc Dân biết ơn nhất là ông Phạm Công Trương - người anh gọi trìu mến là "bố". Cả hai quen nhau hơn 10 năm nay. Ông Trương làm nghề bán trà sữa vỉa hè gần Nhà hát lớn TP HCM. Có những buổi tối, Quốc Dân vẽ, hát hò, trò chuyện với bạn bè ở khu vực này. Cảm mến chàng họa sĩ đầy đam mê với nghề nghiệp, ông Trương thường giúp anh và bày tỏ mong muốn tích góp tiền để anh mở một triển lãm tranh.
Trong tình hình tìm gallery triển lãm khá khó khăn, ông Trương cũng bỏ tiền để thuê không gian số 12, Nguyễn Huệ trong vài tháng làm nơi cho Quốc Dân sáng tác và giới thiệu họa phẩm. Ngoài ra, bạn bè khác góp sức cùng chàng họa sĩ tự do trong nhiều khâu của triển lãm. Sự kiện được tổ chức là cách để anh tri ân tình cảm của người thân, bạn bè.
Sau khi triển lãm "Phi lập thể - Chân dung 2016" kết thúc vào ngày 5/5, Nguyễn Quốc Dân trở lại với công việc mưu sinh hàng ngày như thiết kế mỹ thuật, thiết kế cảnh quan, nội thất... để tiếp tục các dự án hội họa anh theo đuổi trong thời gian tới.
Nguyễn Quốc Dân sinh ngày 10/10/1984 tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Anh sống và lớn lên trong trại trẻ mồ côi thuộc phố cổ Hội An. Năm 2009, Quốc Dân tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP HCM.
Tháng 9/2011, Nguyễn Quốc Dân tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên "Phi lập thể - đơn sắc". Tháng 5/2012, anh giới thiệu đến công chúng triển lãm cá nhân với chủ đề "Phi lập thể đa sắc". Tháng 1/2014, anh tiếp tục có triển lãm riêng thứ ba mang tên "Phi lập thể - phấn". Lối vẽ và phong cách sáng tác của Nguyễn Quốc Dân gây nhiều tranh cãi và đến nay, anh chưa bán bức họa nào.
"Bên cạnh người yêu thích cũng có khá nhiều người ghét hoặc không thích tranh tôi vì họ không hiểu tôi vẽ gì. Ở thời điểm này, bán được tranh hay không với tôi chưa quan trọng. Quan trọng là các tác phẩm tôi tạo ra có giá trị gì không, có đáng để được nhìn nhận không? Có cái để xem là mới không? Hay chúng ta chỉ vẽ để rồi bán và thỏa mãn và đáp ứng cho cuộc sống hiện tại của mình. Quá chán cuộc sống này nên giờ tôi vẫn chưa có ý định bán buôn gì hết, vì bán phải đúng người, đúng đối tượng. Mà điều này rất khó trong cuộc sống hôm nay", anh chia sẻ.
>> Xem thêm: