Đang ở Quảng Bình có việc gia đình, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng, người đã vẽ và tạc hàng trăm tác phẩm chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khụyu người xuống khi hay tin Đại tướng từ trần. Không chút chần chừ, ông nhờ đứa cháu chở đến căn nhà lưu niệm của Người ở làng An Xá, huyện Lệ Thủy.
Vừa vào sân, ông Ứng vịn chặt cánh tay lên vai người cháu của Đại tướng, ông Võ Đại Hàm, khóc nấc. Được mọi người dìu đến bàn thờ, đôi chân ông luýnh quýnh bước không vững. Thắp nén hương phải nhờ người cắm lên bàn thờ tổ tiên của Đại tướng, ông ôm chầm lấy bức tượng bán thân, đôi mắt mù lòa lăn dài những giọt lệ khiến nhiều người chứng kiến cũng sụt sùi theo.
"Bác Giáp là người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống. Khi mù đi đôi mắt, chính Đại tướng đã gần gũi, động viên và cho tôi cuộc đời thứ hai. Bây giờ cảm xúc của tôi như chính cha mình đã qua đời", ông Ứng nói trong nước mắt.
* Clip: Họa sĩ mù bật khóc khi biết tin Đại tướng qua đời
Quê gốc của họa sĩ Ứng ở huyện Quảng Ninh, cách nhà lưu niệm của Đại tướng không xa. Khi còn là chàng thanh niên 20 tuổi, học Đại học Mỹ thuật, Lê Duy Ứng đã lấy những tấm hình Đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Lê Nin... để tập ký họa. Riêng những bức tranh vẽ Tướng Giáp, ngoài hình mẫu trong ảnh, ông có thể tưởng tượng chân dung Đại tướng qua lời kể của cha mình, một người lính cấp dưới của Tướng Giáp, để phóng tác.
Ông Ứng vào quân ngũ và bị thương, hỏng mắt 1975 khi cùng đồng đội đánh vào cửa ngõ Sài Gòn, cách căn cứ Nước Trong khoảng 30 km. Nghĩ rằng mình sẽ hy sinh, ông chấm máu từ đôi mắt để vẽ chân dung Bác Hồ cùng lời nhắn gửi Con xin hiến trọn tuổi thanh xuân.
Dù Đại tướng giải thích rằng đến thăm vì tình đồng hương, nhưng ông Ứng vẫn thấy bất ngờ và nhỏ bé trước Người. "Lúc đó, Đại tướng hỏi tôi có biết Beethoven sáng tác những bản nhạc hay nhất trong hoàn cảnh nào không?". Ông Ứng đang lúng túng không biết trả lời thế nào thì Đại tướng nói tiếp: "Đó là khi nhạc sĩ điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nhất là âm thanh mà lại bị điếc cả hai tai cũng như một họa sĩ cần đường nét, ánh sáng mà lại không nhìn thấy. Đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu!".
Lời khuyên đó tạo thêm động lực để ông Ứng rèn luyện đôi tay và khối óc, sáng tác bằng chính trái tim của mình. Được Đại tướng giúp đỡ khi chữa trị, thị lực của ông khôi phục một phần. Năm 1984, ông ghé thăm Đại tướng tại nhà riêng và ngỏ ý xin được vẽ một bức chân dung Người. "Đại tướng ngồi nói chuyện, còn tôi họa bút theo. 20 phút, bức tranh hoàn thành, Người xem và tỏ ra hài lòng nên trân trọng treo bức chân dung này tại phòng khách", ông Ứng kể.
Năm 1989, ông Ứng tiếp tục ký họa chân dung Đại tướng bằng mực nho. "Thú thực vì mắt kém, đứng trước chân dung của Bác thấy mình thật nhỏ bé, nên tôi chỉ biết vẽ bằng chính cảm xúc, lòng tôn kính với Người, và cũng nhờ đó mà bức tranh trở nên có hồn".
Sau khi tặng Đại tướng bức tranh này, họa sĩ Ứng mượn lại để đi triển lãm tại TPHCM. Một vị khách đến chia sẻ rằng trong nhà chỉ treo tranh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nên ngỏ ý mua lại bức tranh. Ông Ứng nhất quyết: "Tranh này tôi đã dành tặng bác Giáp. Tuyệt đối không bán dù bất cứ giá nào". Nhưng không thể để một người có lòng thành ra về, họa sĩ mù nhận lời sẽ vẽ một bức tranh khác.
Khi tác phẩm hoàn thành, dù nhiều người khen giống, nhưng vị khách kia vẫn lắc đầu: "Nhìn thì giống nhưng bức tranh không có hồn". Còn ông Ứng thì ngậm ngùi: "Vẽ chân dung Đại tướng mà như mình đang chép lại thì không thể có được cảm xúc như trước". Đó cũng là một trong hàng trăm bức tranh khác ông Ứng bỏ đi vì chính bản thân ông thẩm định là "không đạt".
Năm 2005, ông Ứng được đưa sang Nhật Bản chữa mắt. Về Việt Nam, ông ghé nhà Tướng Giáp, dùng vải đỏ bịt mắt và bắt đầu vẽ "thử xem cảm giác của mình so với trước kia như thế nào". Cầm bức chân dung ông Ứng vẽ về mình, Đại tướng khen: "Rất nhiều họa sĩ vẽ, chụp mình, quay mình nhưng mình thích nhất bức tranh của Lê Duy Ứng". Như được khơi nguồn, dù thị lực ngày một yếu đi, ông miệt mài sáng tác và dường như chỉ vẽ tranh, tạc tượng về Đại tướng. Tham gia hàng ngàn cuộc giao lưu, họa sĩ này đều trổ tài vẽ tranh về Đại tướng và nhận được những lời tán thưởng.
Đến nay, 200 bức tranh, tượng về Đại tướng đã được họa sĩ Ứng hoàn thành, trong đó có 10 bức tranh sơn dầu lớn ấn tượng, hay bức tranh Lòng dân, vẽ Đại tướng và phu nhân Đặng Thị Hà đứng giữa, xung quanh là những người da đen, da màu tượng trưng cho 5 châu. Nhiều tác phẩm ưng ý đều được ông dành tặng Đại tướng.
Không nhớ nổi mình đã gặp, làm việc, ăn chung bữa cơm dưa cà đạm bạc với Tướng Giáp bao nhiêu lần, ông Ứng tâm sự rằng Đại tướng không chỉ là người sống giản dị, dễ gần mà rất biết cách động viên, chia sẻ với người khác.
Rời nhà Đại tướng khi đôi mắt còn ngấn nước, ông Ứng ấp ủ: "Tôi sẽ gắng hết sức cùng với tư liệu và những cộng sự của mình để làm bức tượng chân dung về Bác Giáp, có thể đặt tại Hà Nội hoặc Đồng Hới. Bức tượng cao 10 m và bằng chất liệu đá. Bởi tôi muốn có một bức tượng về người anh cả của lực lượng vũ trang".
Nguyễn Đông