Tháng 9/1937, Abraham Bredius, một trong những nhà sử học nghệ thuật có uy tín nhất thế kỷ 20 đến căn phòng của gia đình quý tộc Hà Lan. Trước mặt ông là bức Chúa Jesus và các Môn đồ ở Emamus, kích thước 115 cm × 127 cm, ký tên danh hoạ thế kỷ 17, Johannes Vermeer.
"Đó là khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời của người yêu nghệ thuật khi anh ta bất ngờ chạm trán với bức tranh mới được tìm thấy của một bậc thầy vĩ đại, còn nguyên bản và không có bất kỳ sự phục hồi nào", Abraham sau đó viết trên tạp chí Burlington, "kinh thành nghệ thuật" của thời đại.
Tất nhiên, với tên tuổi của Abraham và uy tín của tờ báo, không một ai nghi ngờ về nguồn gốc bức tranh. Ý kiến của Abraham được coi là phúc âm trong thế giới nghệ thuật, đến mức ông được đặt biệt danh là "Giáo hoàng".
Song chỉ ít lâu sau, báu vật này bị phát hiện là tranh giả, được vẽ bởi Han van Meegeren, hoạ sĩ tài năng không gặp thời, suýt mất đầu cũng chỉ vì những bức tranh giả quá giống thật.
Henricus Anthonius van Meegeren sinh năm 1889, ở Deventer, một trong những thành phố lâu đời nhất của Hà Lan. Cha của Van Meegeren đã gửi ông học kiến trúc. Tuy nhiên, Van Meegeren phát hiện ra tình yêu với nghệ thuật và nhanh chóng trở thành trợ giảng của khoa Vẽ và Lịch sử Nghệ thuật, Đại học Deft.
Van Meegeren sớm chứng tỏ là nghệ sĩ đầy khát vọng. Ông lấy cảm hứng từ các bức tranh từ thời đại hoàng kim của hội hoạ Hà Lan (thế kỷ 17) và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật được đón nhận nồng nhiệt. Công chúng và giới tinh hoa đã bị ấn tượng bởi khả năng tái tạo các bức vẽ cổ điển, trả rất nhiều tiền mua tranh.
Đến năm 1928, sự tương đồng của các bức tranh của Van Meegeren với các bức tranh của những danh hoạ thế kỷ 17 bắt đầu thu trở thành khiến các nhà phê bình nghệ thuật Hà Lan cảm thấy gai mắt. Họ công kích rằng tài năng của ông là "sự bắt chước rẻ tiền". Một nhà phê bình đã viết rằng ông "có mọi tài năng, ngoại trừ sự sáng tạo". Với giới nghệ sĩ, đó là lưỡi kiếm găm vào tim.
Bị khinh bỉ và xúc phạm, ông quyết định trả đũa. Van Meegeren bắt đầu nuôi kế hoạch chứng minh với các nhà phê bình nghệ thuật rằng ông không sao chép các bậc thầy. Ông sẽ tạo ra một tác phẩm tuyệt vời đến mức có thể sánh ngang với tranh thật.
Van Meegeren lui về miền Nam nước Pháp và dành thời gian nghiên cứu kỹ thuật của Vermeer và Rembrant. Ông tự trộn sơn của mình từ những nguyên liệu thô bằng các công thức cũ để đảm bảo rằng chúng có thể giống như thật. Ngoài ra, ông còn tạo ra những chiếc cọ vẽ tương tự như những dụng cụ Vermeer từng sử dụng.
Ông cũng sử dụng nhựa polymer, phenol fomandehit, để làm cho sơn cứng lại sau khi sơn. Sau khi hoàn thành một bức tranh, Van Meegeren sẽ nướng nó ở nhiệt độ 100-120 độ C để sơn cứng lại, lăn nó qua một hình trụ để tăng các vết nứt. Sau đó, ông rửa bức tranh bằng mực đen của Ấn Độ để lấp đầy các vết nứt.
Ông thậm chí còn mua hàng chục chậu hoa violet lớn đặt xung quanh giá vẽ để bức tranh được tẩm hương thơm của dầu violet, nét đặc trưng trong các tác phẩm của Johannes Vermeer.
Bức tranh giờ đây trông hệt như chúng đã được Johannes Vermeer vẽ 300 năm trước. Toàn bộ quá trình nghiên cứu kỹ thuật làm giả này tiêu tốn của Van Meegeren 6 năm vùi đầu trong xưởng vẽ.
Bức Chúa Jesus và các Môn đồ ở Emamus sau đó được ông ta nhờ một người bạn luật sư tung tin là "tranh thất lạc" của Vermeer và đưa đến để nhà sử học nghệ thuật Abraham Bredius thẩm định. Sau sự ca tụng nồng nhiệt của giới chuyên gia về "kiệt tác Vermeeer", Van Meegeren nghĩ rằng cuối cùng ý định trả thù đã đạt được, và đã đến lúc "hạ màn" bằng việc công bố, bức tranh đó do mình vẽ, chứ không phải của Vermeer.
Song nó đã được Hiệp hội mỹ thuật mua với giá tương đương 5,2 triệu USD ngày nay, Van Meegeren quyết định nghĩ lại. "Ta sẽ kiếm tiền từ sự ngu dốt này", ông tự nhủ, và bắt đầu con đường làm giả hàng chục bức hoạ của Vermeeer để bán với giá tranh thật.
Thế chiến thứ hai nổ ra cuốn theo tất cả vinh quang và cay đắng, không ngoại trừ giới hội hoạ. Năm 1942, trong thời kỳ Đức quốc xã chiếm Hà Lan, ông bán bức Christ with the Woman Taken in Adultery - Chúa Jesus và Người đàn bà ngoại tình cho Thống chế Đức quốc xã, Hermann Goering, để đổi lấy 200 bức tranh của Hà Lan mà Đức quốc xã đã cướp đi giai đoạn đầu thế chiến.
Tháng 5/1945, quân Đồng minh tiến vào Hà Lan, tìm thấy bức tranh trong kho của tướng phát xít và lùng ra tung tích Van Meegeren. Ngày 29/5/1945, ông bị bắt và bị buộc tội tiếp tay cho địch, "kẻ cướp tài sản của văn hoá Hà Lan", do đã bán tranh của Vermeer cho Đức quốc xã. Ông bị chính quyền đe dọa bằng hình phạt tử hình.
Sau hai tuần bắt giam, không còn cách nào khác, ông đành thú thật, bức tranh không phải của danh hoạ Vermeer mà là đồ giả mạo do mình làm. Hơn nữa, vì ông ta đã đổi bức tranh giả để chuộc 200 bức tranh gốc của Hà Lan bị Đức quốc xã chiếm giữ, Van Meegeren tin rằng ông ta là anh hùng dân tộc hơn là kẻ phản bội bán nước hại dân.
Phiên tòa xét xử Han van Meegeren bắt đầu vào ngày 29/10/1945 tại Tòa án Amsterdam. Để chứng minh cho lời khai của mình, Hội đồng xét xử quyết định ông phải vẽ ngay một bức hoạ giả của Vermeer ngay tại toà. Trước sự kinh ngạc của mọi người, ông đã làm được điều đó.
Thú nhận về lý do đằng sau sự dối trá kéo dài hàng thập kỷ này, Van Meegeren nói bị thất vọng khi giới nghệ sĩ và nhà phê bình không thừa nhận tài năng của mình. "Do đó, tôi quyết tâm chứng minh giá trị của mình với tư cách là một họa sĩ bằng cách tạo ra một bức tranh hoàn hảo của thế kỷ 17."
Sau phiên xét xử kéo dài gần 2 năm, tháng 11/1947, Van Meegeren bị kết án một năm tù. Một tháng sau, ở tuổi 58, ông đổ bệnh do nhiều năm lạm dụng ma túy và rượu và chết vì cơn đau tim trong tù.
Trong suốt cuộc đời vẽ tranh giả, tổng cộng, ông đã kiếm được hơn 2 triệu USD, tương đương 40 triệu USD ngày nay. Trong những năm cuối đời, Van Meegeren sống cuộc sống thượng lưu và mua nhiều bất động sản xa xỉ cho đến khi bị bắt. Ông ta có tài hay chỉ là một kẻ sao chép giỏi, đến nay, vẫn là chủ đề tranh luận gay gắt với hai luồng ý kiến chưa thể dung hoà.
Hải Thư (Theo History Collection, Essential Vermeer, The culture trip)