![]() |
Chân dung nhà thơ Đoàn Phú Tứ, tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc. |
- Nhà báo Daniel Green (Pháp) bình luận: "Đứng trước tranh chân dung của Bùi Quang Ngọc, có cảm giác họ đang trò chuyện và kể về cuộc đời mình". Ý kiến của ông thế nào?
- Tôi thường vẽ những người quen biết, những người mình hiểu sâu sắc. Họ là những người có nhân cách đẹp và bản thân họ cũng mang vẻ đẹp của hội hoạ. Ví dụ, Nguyễn Gia Trí có vẻ đẹp ung dung, hơi trầm buồn nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên, còn Nguyễn Sáng nổi bật nhất vẫn là đôi mắt to như mắt cá, vừa nhìn đời đau đáu mãnh liệt nhưng cũng đầy vẻ ngơ ngác, ngây thơ; Bùi Xuân Phái thì toát ra cái gì đó thật thánh thiện, thanh thoát; Nguyễn Tuân thì lại phóng khoáng, hóm hỉnh; Đoàn Phú Tứ tình cảm, dịu dàng; Thái Bá Vân thông thái, đẹp kiểu phương Tây; Thái Tuấn già dặn, uyên bác nhưng rất nhẹ nhàng…
- Ông tâm đắc nhất thể loại và mảng đề tài nào trong tranh?
- Thật khó phân định. Thời trẻ, tôi rất mê nét vẽ của Hokusai, một danh họa Nhật Bản. Một thời gian, tôi lại thích lối vẽ hiện đại theo phong cách châu Âu. Hồi ở Quảng Ninh, tôi thường vẽ tranh tường lớn, mô tả cuộc sống của những công nhân vùng mỏ. Song, đến lúc vào Nam thì tôi lại vẽ khoảng 20 bức tranh tường về đề tài lịch sử TP HCM, Bến Tre. Tôi rất yêu thích thể loại tranh hoành tráng, chỉ tiếc ở VN khó có điều kiện thực hiện hoàn chỉnh loại tranh này. Với tôi, đề tài hội họa là sự đa dạng, kỳ diệu của cuộc sống. Tuy nhiên, mảng đề tài mà tôi yêu thích nhất là vẽ về những con người lao động thầm lặng. Đó là những người thợ mỏ, thợ cấy, thợ đội cát, kéo gỗ trên sông… Tôi thích vẽ những người đi chân đất như vậy.
- Ông đã đến với hội hoạ như thế nào?
- Quê tôi ở Quảng Bình, mê vẽ từ bé. Anh cả tôi là kỹ sư thời Pháp. Tôi còn nhớ hồi đó, bên cạnh những bản đồ án, anh cả đã vẽ chân dung một vài người nào đó. Thế là tôi len lén bắt chước vẽ theo anh. Năm 16 tuổi, tôi tham gia bộ đội Bình Trị Thiên, rồi vẽ tranh, làm báo Quảng Trị. Về sau được học văn hóa và học vẽ khóa đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1955-1957). Có một khoảng thời gian dài, tôi làm họa sĩ ở ty văn hóa Quảng Ninh. 10 năm ở đây, tôi đã bồi đắp được khá nhiều vốn sống.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)