Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV niên độ tài chính 2017-2018 và cả năm tài chính vừa qua. Theo đó tập đoàn vượt mức sản lượng 1,8 triệu tấn, doanh thu ghi nhận 34.441 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 32% so với niên độ trước. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 410 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.
Ông Vũ Văn Thanh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen khẳng định trong bối cảnh thị trường tôn thép gặp nhiều khó khăn, việc gia tăng sản lượng, đột phá doanh thu, duy trì lợi nhuận cả năm là một kết quả đáng mừng.
Đại diện doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tôn thép chia sẻ với VnExpress lý do lợi nhuận giảm mạnh trong năm qua và kế hoạch của tập đoàn trong thời gian tới.
- Do đâu khoản nợ vay ngân hàng của Hoa Sen lên đến mức 14.340 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất ngày 30/9/2018, thưa ông?
- Đã có nhiều ý kiến lo ngại đây là con số quá cao so với tổng vốn của Hoa Sen. Tuy nhiên cao hay thấp còn phải đối chiếu với kết quả tăng trưởng sản lượng, doanh thu và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Trong cơ cấu nợ vay 14.340 tỷ đồng có 10.879 tỷ đồng (tương đương 75%) là nợ vay ngắn hạn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Những khoản nợ vay ngắn hạn này được xử lý nhanh chóng nhờ vào khả năng tiêu thụ sản lượng 1,8 triệu tấn một năm với doanh thu 34.441 tỷ đồng. Do đó theo tôi đây không phải là điều đáng lo ngại.
Còn lại 3.461 tỷ đồng (tương đương 25%) là các khoản vay dài hạn với kế hoạch trả nợ đã được tính toán cẩn thận trong thời gian dài, không tạo áp lực cấp bách cho doanh nghiệp. Khoản vay này bắt đầu tăng từ năm 2015, khi chúng tôi đầu tư các nhà máy mới để nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng.
Thời điểm đó, khi các nhà máy của Hoa Sen đều hoạt động hết công suất thiết kế, doanh nghiệp đứng trước bài toán cần bổ sung vốn để xây dựng thêm nhà máy mới, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển mạng lưới phân phối.
Để thực hiện kế hoạch này, chúng tôi đứng trước bài toán vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi cân nhắc các phương án, ban điều hành đã đi đến quyết định vay ngân hàng để tranh thủ cơ hội lãi suất vào những năm 2015, 2016, 2017 rất thấp dành cho doanh nghiệp có uy tín như Hoa Sen.
- Tại sao doanh nghiệp chọn phương án đi vay mà không tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu?
- Mở rộng sản xuất và hệ thống phân phối bán lẻ phải song hành với lợi ích cổ đông. Nếu phát hành thêm cổ phiếu thì tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu sẽ bị pha loãng, dẫn đến lợi ích của những nhà đầu tư đã gắn bó với chúng tôi giảm đi. Đó là lý do chúng tôi quyết định đi vay.
Nếu như sau khi trả lãi vay và nợ vay theo tiến độ, chúng tôi vẫn tạo ra doanh thu, lợi nhuận tốt cho cổ đông, thì đó là giải pháp phù hợp, được minh chứng rõ ràng bằng kết quả kinh doanh tăng trưởng trong những năm 2015, 2016, 2017.
- Vậy khoản vay hơn 14.000 tỷ đồng đóng góp như thế nào vào kết quả kinh doanh những năm qua của Hoa Sen?
- Chính nhờ việc thực thi kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất và hệ thống phân phối, tập đoàn Hoa Sen đã tạo được nền tảng phát triển trong dài hạn. Cụ thể vào năm 2015 công suất thiết kế của chúng tôi đạt 1,2 triệu tấn một năm, sản lượng bán hàng đạt 1,1 triệu tấn. Nhờ đầu tư các nhà máy mới trên toàn quốc nên hiện tại công suất thiết kế của Hoa Sen đã đạt 2,5 triệu tấn một năm, sản lượng đạt 1,8 triệu tấn trong niên độ vừa qua.
Như vậy, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển trong thời gian tới mà không cần phải tính đến phương án đầu tư mới. Hiện tại, Hoa Sen là công ty có nhiều nhà máy với công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư nhà máy tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam giúp tập đoàn giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu khách hàng, từ đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Song song với việc đầu tư nhà máy, công ty thực hiện chiến lược mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ trên toàn quốc, tập trung vào khu vực miền Bắc và miền Trung. Hiện tại, tập đoàn đang sở hữu gần 500 chi nhánh trên cả nước, tăng gấp 2,5 lần so với con số 190 chi nhánh vào năm 2015. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hệ thống sản xuất và phân phối, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong dài hạn.
Nhờ đẩy mạnh sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối, tập đoàn ghi nhận 17.894 tỷ đồng doanh thu hợp nhất trong niên độ tài chính 2015-2016, lợi nhuận 1.504 tỷ đồng. Trong niên độ tài chính 2016-2017, doanh thu chạm mốc 26.149 tỷ đồng, lợi nhuận 1.332 tỷ đồng. Bước sang niên độ 2017-2018, mặc dù thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng Hoa Sen vẫn tăng trưởng doanh thu lên tới 34.441 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ đồng.
- Liên tục thu về nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong những năm qua, ông có thể giải thích nguyên nhân vì sao lợi nhuận trong năm 2017-2018 lại xuống còn 410 tỷ?
- Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến lợi nhuận sụt giảm trong năm nay. Những thách thức, trở ngại mà Hoa Sen gặp phải trong thời gian qua không nằm ngoài khó khăn chung của toàn thị trường tôn thép Việt Nam.
Gần đây nhất, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến việc nhập khẩu ồ ạt tôn thép Trung Quốc vào Việt Nam, kéo theo cạnh tranh khốc liệt về giá cả. Nguồn cung tăng lên, chúng tôi buộc lòng phải giảm giá bán ở mức phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường.
Ngoài ra, những rào cản về mặt thuế quan cũng khiến các doanh nghiệp thép nói chung gặp khó trong việc xuất khẩu sản phẩm vào một số thị trường. Chúng tôi đã có giải pháp tìm kiếm, khai thác các thị trường khác nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu.
Ở góc độ chủ quan, nợ vay tăng dần trong những năm qua nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh tuy mang lại kết quả đáng mừng cho doanh nghiệp nhưng cũng khiến chi phí tài chính đội lên đáng kể.
Giữa lúc thị trường chung gặp nhiều khó khăn, chúng tôi đã triển khai loạt phải pháp nhằm kiểm soát chi phí và tái cơ cấu bộ máy hoạt động.
- Vậy đó là những giải pháp cụ thể gì nhằm khắc phục khó khăn và khôi phục tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nghìn tỷ?
- Thứ nhất, định mức lại toàn bộ hàng hóa tồn kho, công cụ dụng cụ, nguyên vật liệu... một cách phù hợp. Thứ hai, tiết giảm chi phí bán hàng bằng cách tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, tối ưu hóa chi phí hoạt động của từng chi nhánh, tạm dừng việc mở thêm các chi nhánh mới nhằm đánh giá hiệu quả và phát huy năng lực các chi nhánh hiện có.
Kế đến, tinh gọn bộ máy nhân sự, đưa vào vận hành hệ thống ERP nhằm tiết giảm chi phí nhân sự và quản lý bộ máy doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp.
Và cuối cùng, nhận thấy tiềm năng thị trường bất động sản và du lịch thời điểm hiện tại không như kỳ vọng, công ty cũng quyết định thu gọn các dự án đầu tư trái ngành. Cụ thể, chúng tôi quyết định chấm dứt đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái đầm Vân Hội tỉnh Yên Bái, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Hội Vân tỉnh Bình Định... đồng thời chuyển nhượng những vị trí đất dự kiến đầu tư bất động sản với mức giá cao hơn giá mua, vừa giúp thu hồi vốn, vừa mang về khoản lợi nhuận đáng kể. Trước mắt, Hoa Sen đã chuyển nhượng dự án bất động sản tại đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM.
Chúng tôi tin rằng đây là các giải pháp hiệu quả cho bài toán tài chính của doanh nghiệp, giúp Hoa Sen củng cố vị thế dẫn đầu và tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới.
- Cơ sở nào giúp ông tự tin vào hiệu quả thực thi của những kế hoạch kể trên?
- Tại thời điểm 30/6/2018, tổng số nợ vay ngân hàng của Hoa Sen là 15.885 tỷ đồng. Tính đến tháng 11/2018, tổng số nợ vay đã giảm mạnh chỉ còn 12.745 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tập đoàn đã giảm được nợ vay hơn 3.140 tỷ đồng. Đây là một con số ấn tượng từ nỗ lực của chúng tôi trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xét trong hoàn cảnh thị trường khó khăn, việc tăng trưởng sản lượng và giữ vững thị phần là điều không dễ dàng. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam 9 tháng đầu năm 2018, thị phần tôn mạ của Hoa Sen chiếm 35,2%, sản lượng tăng gần 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều năm liền Hoa Sen vẫn dẫn đầu thị phần trong ngành tôn mạ.
Riêng với mặt hàng ống thép, Hoa Sen nhiều năm liền vẫn giữ vị trí thứ hai, chiếm 17,8% thị phần. Sản lượng ống thép tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 36.000 tấn.
Còn với mặt hàng nhựa mà Hoa Sen mới tham gia trong 10 năm trở lại đây thì sản lượng đã tăng trưởng đáng kể, đạt 5.000 tấn một tháng, vươn lên trở thành một trong ba doanh nghiệp dẫn đầu ngành nhựa tại Việt Nam với chất lượng sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng trên cả nước.
Điều đáng chú ý là cả doanh thu nội địa và doanh thu xuất khẩu đều tăng trưởng vượt bậc. Năm qua, doanh thu nội địa đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 34%, doanh thu xuất khẩu đạt hơn 538 triệu USD, tăng 27% so với niên độ trước.
Nhìn lại năm qua, bức tranh ngành thép đã có những gam màu tối và trong thời gian tới, vẫn sẽ có những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp tôn thép tại Việt Nam nói chung. Tuy nhiên với chiến lược cụ thể cho từng khu vực, bao gồm cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả khả quan trong những năm tiếp theo.
Khánh Anh