Tại Đại hội cổ đông thường niên 2017 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) diễn ra ngày 10/3, những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của các cổ đông là vấn đề triển khai dự án Dung Quất, kế hoạch kinh doanh năm 2017 và việc phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Hầu hết các cổ đông đặt câu hỏi trong phiên đại hội sáng nay đều quan tâm đến định hướng cũng như tiềm năng của dự án Dung Quất, dự báo biên lợi nhuận có tốt hơn nhà máy tại Hải Dương không, chi tiết kế hoạch lợi nhuận và hoàn vốn cũng như công nghệ và môi trường của Dung Quất so với Formosa Hà Tĩnh...
Ông Long cho hay, Dung Quất dự kiến công suất 4 triệu trong đó 2 triệu tấn thép xây dựng. Trong khi đó, công suất hiện nay của nhà máy Hòa Phát tại Hải Dương là 2 triệu tấn. Cũng theo ông Long, dự án này nằm trong chiến lược phát triển của tập đoàn.
"Các doanh nghiệp lớn trên thế giới, ai cũng biết không thể đứng lại một chỗ được. Hòa Phát phấn đấu đến năm 2020 đạt đến tầm vóc, quy mô mới với mục tiêu 100.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm", ông Long nói.
Lãnh đạo Hòa Phát cũng cho biết, trong 2 tháng đầu năm, công ty đạt lãi sau thuế 1.200 tỷ đồng và kết thúc quý I, con số dự kiến sẽ không dưới 1.800 tỷ đồng. Kết thúc năm 2016, Tập đoàn Hòa Phát đạt tổng doanh thu gần 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.600 tỷ, tăng tương ứng 34% và 89% so với 2015. Đây là năm đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ ngày thành lập tập đoàn. Năm 2017, toàn tập đoàn dự kiến đạt 38.000 tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế dự kiến lại thấp hơn năm 2016 với 5.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Hòa Phát cũng cho biết, biên lợi nhuận đạt được tại Dung Quất có thể tương đương tại Hải Dương. Ông Long cũng đưa ra nhiều điểm lợi thế của dự án khi nằm trong quy hoạch chung của cả khu nên có cảng biển, thuận lợi cho nhập khẩu nguyên liệu, tàu vào chạy thẳng vào lò cao, giải quyết triệt để về chi phí, xuất khẩu hàng...
Liên quan đến công nghệ của dự án, ông cho hay, Formosa là tập đoàn lớn nhưng không phải mạnh về thép mà chủ yếu về hóa chất. Còn Hòa Phát đã có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thép. Cũng theo ông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trước khi chấp nhận cho Hòa Phát tiếp quản lại dự án Dung Quất đã tự đến gặp lãnh đạo tỉnh Hải Dương để tìm hiểu về dự án của công ty đặt tại đây.
"Vấn đề môi trường sẽ là vấn đề số một tại Dung Quất, trên cả vấn đề lợi nhuận. Chúng ta phải tự bảo vệ trước khi ai đó có thể bảo vệ mình trước dư luận", ông Long nói.
Về kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, một số cổ đông cũng đặt câu hỏi số tiền thu được. Lãnh đạo HPG cho biết dự kiến chào bán 250 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 5:1 (mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phần sẽ được quyền mua 1 cổ phần mới) với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng một cổ phần. Số tiền thu về tối thiểu 4.000 tỷ đồng từ đợt chào bán lần này để sử dụng đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và bổ sung vốn cho hoạt động của công ty.
Tuy nhiên, ông Long lý giải thêm, dự án này được chia làm 2 giai đoạn cách nhau 18 tháng và cần khoảng 40.000 tỷ đồng. Ở giai đoạn một cần số vốn 20.000 tỷ đồng thì hiện công ty đã có 10.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 50% còn lại đã được ngân hàng chấp thuận cho vay nên không liên quan gì đến số tiền thu được từ việc phát hành.
"Không phải vì thiếu tiền làm giai đoạn một mà phát hành cổ phiếu", ông Long khẳng định.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hòa Phát cũng cho biết đang có những đánh giá cao về thời cơ kinh doanh, do đó sau khi làm xong giai đoạn một có thể sẽ triển khai ngay giai đoạn 2 mà không nhất thiết phải kéo dài đến 18 tháng. Ông cho biết, việc phát hành là nhằm chuẩn bị đủ vốn đối ứng thực hiện ngay giai đoạn 2.
Cổ đông cũng quan tâm kế hoạch kinh doanh 2017 thấp hơn con số đã thực hiện của 2016. Tại đại hội năm ngoái, cổ đông Hòa Phát cũng nhiều lần chất vấn lãnh đạo đơn vị này về việc đặt mục tiêu kinh doanh khiêm tốn có phải để nhằm được thưởng vượt kế hoạch lớn hơn hay không.
"Năm ngoái đặt mục tiêu lợi nhuận 3.200 tỷ, chúng tôi cũng có ý kiến thì lãnh đạo tập đoàn còn e dè. Với kết quả như hiện nay bản thân cổ đông cũng rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, vị cổ đông cũng cho rằng lãnh đạo tập đoàn nên xây dựng kế hoạch sát hơn với thực tế", vị này nói.
Lý giải về điều này, ông Long cho rằng rất muốn giao chỉ tiêu cao nhất có thể. Tuy nhiên ban điều hành cũng có lý lẽ riêng, đồng thời kế hoạch cần được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố từ chính sách vĩ mô cho đến thị trường trong nước cũng như thế giới.