Để kỷ niệm 40 năm quan hệ giữa hai nước, đồng thời cũng là kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Giải phóng thủ đô và 55 năm thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; đêm hòa nhạc hữu nghị Việt – Nhật JVCA (Japan – Vietnam Friendship Concert) diễn ra tối 15/11 ở Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Vương Duy Biên, cùng nhiều quan chức cấp cao của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.
![Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch - ông Vương Duy Biên - phát biểu trước khi bắt đầu đêm hòa nhạc.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2014/11/16/IMG-8077-5748-1416105750.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-JXguYxhNSVEzhxccTFaOQ)
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch - ông Vương Duy Biên - phát biểu trước khi bắt đầu đêm hòa nhạc.
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu rằng Nhật Bản và Việt Nam là hai nước tương đối gần nhau về khoảng cách địa lý, có nền văn hóa đặc trưng cho phương Đông và việc thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, xã hội giữa hai nước là điều cần thiết để thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị. Trong năm 2013 và năm nay, nhiều hoạt động được diễn ra ở hai nước để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Tham gia trong đêm nhạc có nghệ sĩ violin của Việt Nam – Bùi Công Duy, nghệ sĩ kèn Oboe nổi tiếng của Nhật Bản – Furube Kenichi - và nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ đạo Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
![Nghệ sĩ Bùi Công Duy (giữa) biểu diễn trong tiết mục mở màn cho đêm nhạc.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2014/11/16/IMG-8097-7442-1416105750.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tcEibR5s-O4i65y3drTpYg)
Nghệ sĩ Bùi Công Duy (giữa) biểu diễn trong tiết mục mở màn cho đêm nhạc.
Hòa nhạc JVCA kéo dài gần 2 tiếng và được chia làm hai phần. Trong phần đầu tiên, khán giả được thưởng thức tiếng đàn réo rắt của nghệ sĩ Bùi Công Duy khi kết hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong bản Rhapsody Bài ca chim ưng của nhạc sĩ Đàm Linh. Đây là bản nhạc được vị nhạc sĩ sáng tác vào đầu những năm 1970, khi đi công tác ở vùng rừng núi Tây Nguyên và bị chinh phục bởi những điệu múa, những bài dân ca, bản nhạc đàn hay “trường ca” trên bếp lửa hồng.
Tác phẩm thứ hai trong phần đầu tiên là Rhapsody for Orchestra của nhà soạn nhạc người Nhật Bản – Yuzo Toyama. Ở tiết mục này, tiếng sáo, tiếng kèn và các nhạc cụ gõ trở thành điểm nhấn đem tới những âm hưởng đặc trưng của người Nhật. Rhapsody for Orchestra của Toyama được viết dựa trên những bài dân ca xứ Phù Tang và thể hiện phong tục truyền thống của người dân Nhật. Đây được coi là một trong những kiệt tác âm nhạc của Nhật Bản viết cho dàn nhạc.
Trong phần hai của chương trình, nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ đạo Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn bản symphony no. 1 in C minor, op. 68 của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức – Johannes Brahms. Tiết mục được chia làm bốn phần gồm Un pico sostenuto Allegro, Andante sostenuto, Un poco Allegretto e grazioso và Adagio. Khán giả yêu nhạc cổ điển trong khán phòng được đắm chìm vào những giai điệu khi sâu lắng, dịu dàng; lúc lại dữ dội, mãnh liệt. Tác phẩm của Johannes Brahms được xếp vào chủ nghĩa lãng mạn (Romanticism).
![Nhạc trưởng Honna Tetsuji và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chào khán giả thủ đô khi đêm hòa nhạc kết thúc.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2014/11/16/IMG-8160-7263-1416105751.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e_-qzfprVAFXo0hWy84YdA)
Nhạc trưởng Honna Tetsuji và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chào khán giả thủ đô khi đêm hòa nhạc kết thúc.
Sau khi kết thúc phần biểu diễn chính, nhạc trưởng Honna Tetsuji và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam còn cao hứng tặng thêm cho khán giả bản nhạc quen thuộc Hungarian Dances, cũng của nhà soạn nhạc Johannes Brahms, trước khi khép lại đêm nhạc. Nhìn chung, hòa nhạc JVCA đã đem tới những tác phẩm rất dễ nghe, dễ cảm với đại đa số khán giả và làm tốt vai trò giữa việc kết nối văn hóa hai nước Việt Nam – Nhật Bản qua những giai điệu âm nhạc đặc trưng của từng nước.
Trong đêm nhạc, Hội giao lưu Văn hóa Việt – Nhật cũng đóng góp, ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam số tiền 50 triệu đồng.
Bài và ảnh: Nguyên Minh