Trong hai đêm nhạc, khán giả yêu nhạc cổ điển ở thủ đô sẽ được thưởng thức hai tác phẩm nổi tiếng của Ludwig van Beethoven là Khúc dạo đầu "Fidelio" op.72c và Bản giao thưởng số 9. Chương trình được dẫn dắt bởi chỉ huy dàn nhạc Honna Tetsuji với các giọng ca Hà Phạm Thăng Long, Lê Thị Vành Khuyên (giọng nữ cao), Trịnh Thanh Bình (giọng nam cao) và Vũ Mạnh Dũng (giọng nam trầm).
Ở thể loại nhạc kịch, Beethoven chỉ sáng tác duy nhất tác phẩm mang tên Fidelio. Giống như những tác phẩm của các soạn gia khác, bản nhạc kịch Fidelio có không ít những khiếm khuyết song nó thực sự là một vở nhạc kịch chứa đựng những chủ đề và âm nhạc ngợi ca anh hùng. Bản nhạc kịch này của Beethoven có tới bốn phiên bản overture (ba bản Leonore và bản Fidelio overture).

Mỗi phiên bản phản ánh những chủ đề kịch tính khác nhau nhưng không đủ để nói lên toàn bộ nội dung cốt lõi của tác phẩm. Cho đến nay, đã có nhiều chỉ huy, trong đó có cả Gustav Mahler - giám đốc âm nhạc của Nhà hát hoàng gia Áo - đã sử dụng cả bốn phiên bản overture trong một chương trình. Việc này ít nhiều tạo ra được tác động tích cực đến người xem.
Trong khi đó, Bản giao thưởng số 9 của Beethoven thể hiện sự mực thước trong các tác phẩm giao hưởng của ông. Ý tưởng của tác phẩm này được tác giả nghiềm ngẫm, thai nghén trong thời gian rất dài. Từ năm 1809, người ta đã phát hiện các nốt nhạc của những ý tưởng âm nhạc đầu tiên và sau này đã xuất hiện trong tác phẩm.
Chất liệu âm nhạc tác giả đã thu thập trước đó chủ yếu được sử dụng trong giai đoạn 1822 – 1824 khi bản giao hưởng vĩ đại này được kết hợp với dàn hợp xướng và độc tấu. Âm hưởng chung của tác phẩm là không khí hân hoan thể hiện ở rất nhiều đoạn khác nhau trong tác phẩm. Chính vì lý do này mà tác phẩm được đặt tên là Bản giao hưởng của niềm vui.

Ludwig van Beethoven (1770-1827) là một nghệ sỹ thiên tài. Từ khi còn sinh thời cho đến nay, tên tuổi của ông được nhiều người biết đến và tiếp tục có sức lan toả rộng lớn. Trong khi phải đối mặt với căn bệnh khiếm thính vô phương cứu chữa (mặc dù ông đã cố giấu sự thực này), Beethoven lại cho ra đời những kiệt tác nghệ thuật như các bản giao hưởng số 5 và số 9.
Edmund Morris, một người viết tâm huyết về Beethoven, miêu tả nhà soạn nhạc vĩ đại là "một nghệ sĩ của những sự phức tạp đáng kinh ngạc và một trí thông minh phi thường". Bằng sự nhạy bén và am hiểu sâu sắc, Edmund Morris đã làm sáng tỏ cuộc đời của Beethoven, trong đó có cả mối quan hệ bí mật của ông với một người phụ nữ mà ông luôn khao khát, cũng như các tác phẩm mà ở đó "vẻ đẹp và sự vĩ đại chỉ có thể được cảm nhận được ở mặt khuất bên kia của sự im lặng".
Nguyên Minh