24 giờ qua, hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh gây mưa cho miền Trung. Một số trạm quan trắc ghi nhận mưa lớn như: Hương Nguyên (Thừa Thiên Huế) 430 mm; Hòa Phú Thành (Đà Nẵng) 250 mm; Thăng Bình (Quảng Nam) 470 mm; Trà Phú (Quảng Ngãi) 270 mm.
Tại Thừa Thiên Huế, một số tuyến đường tại thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, ngập 0,3-0,4 m. Nhiều diện tích lúa đang kỳ trổ bông ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền, bị gãy đổ, ngập úng do mưa lớn kèm gió giật mạnh. Người dân đã dùng máy bơm công suất lớn để tiêu úng, cứu lúa.
Chiều 31/3, một trận lốc xoáy quét qua xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, làm 4 người bị thương, 27 nhà tốc mái, chìm 7 ghe thuyền. Chính quyền xã huy động công an, dân quân hỗ trợ người dân khắc phục.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết đến sáng 1/4, đợt mưa trái mùa khiến 19.740 ha lúa, rau màu bị hư hại, chiếm 33% tổng diện tích vụ đông xuân toàn tỉnh.
Trong mưa lớn, ông Nguyễn Văn Khánh, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, cùng ba người thân ra ven sông Vu Gia thu hoạch lạc. Ông Khánh trồng 5 sào lạc, còn 10 ngày nữa mới đến kỳ thu hoạch, nhưng hiện bị ngập úng.
"Năng suất lạc không cao nhưng nếu để ngâm nước củ sẽ nảy mầm", ông giải thích và cho biết thời điểm này của 7 năm trước cũng xảy ra đợt mưa trái mùa. Nước lũ không gây ngập nhà cửa song cây trồng hư hỏng nhiều.
Mưa lớn làm nhiều diện tích lúa đông xuân đang đến kỳ làm đòng, trổ bông và bắt đầu chín ở Quảng Ngãi ngã đổ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh gieo sạ hơn 38.000 ha, diện tích bị ngã đổ chiếm 40%. Sở đã chỉ đạo với diện tích lúa chín, hạt đã chắc hơn 85%, các địa phương thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Mưa lớn đêm qua làm nhiều tuyến đường nội thành TP Quảng Ngãi như Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Trần Tế Xương, Quang Trung đoạn gần đại học Phạm Văn Đồng, khu đô thị Ngọc Bảo Viên ngập đến nửa mét. Một số phương tiện phải dừng vì chết máy. Đến sáng nay, mưa ngớt, nước rút chỉ còn đường Quang Trung đoạn gần đại học Phạm Văn Đồng ngập 0,3 m.
Tại tỉnh Quảng Trị, mưa phổ biến 20-50 mm, một số nơi cao hơn như A Vao, Tà Rụt và Tà Long 130 mm. Một số cầu tràn tại các xã Ba Lòng, Tà Rụt (huyện Đăkrông) và Hướng Sơn (Hướng Hóa) bị ngập 0,3-0,5 m, khiến một số thôn bản bị chia cắt cục bộ. Các địa phương đã rà soát, sẵn sàng sơ tán 4.900 hộ với 15.700 khẩu ở vùng nguy cơ bị ảnh hưởng.
Trước đó sáng 31/3, mưa lũ khiến hai người ở Tuy Hòa (Phú Yên) mất tích khi cho tôm hùm ăn, hiện đã tìm thấy một thi thể. Gần 180 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng, trong đó Phú Yên hơn 90 ghe thuyền, gần 2.500 lồng bè tôm hùm thiệt hại.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 1/4, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng đã có cảnh báo mưa lũ, song nhiều người chủ quan. "Những ngày tới cần kiên quyết khi dự báo gió giật trên cấp 8 thì không để người trên các lồng bè và không di chuyển từ lồng bè này sang lồng bè khác", ông Hiệp nói.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các tỉnh chủ động hỗ trợ người dân trục vớt thuyền bè, bởi "nếu để chậm một vài ngày thì sẽ hỏng"; lên phương án hỗ trợ người bị hư hỏng nhà, lồng bè, hoa màu, thủy sản.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay và ngày mai Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục mưa, phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Lũ các sông Quảng Bình - Bình Định lên báo động 1, các sông ở Quảng Ngãi lên báo động 2. Vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; bắc biển Đông gió cấp 7, giật cấp 8-9; ven biển Quảng Trị - Cà Mau cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Đánh giá về đợt mưa này, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, nói đây là đợt mưa trái quy luật thời tiết miền Trung. Bình thường phải đến tháng 10 hay 11 hàng năm, miền Trung mới mưa to, lũ lên cao.
Nhóm phóng viên