Thu Thủy khi đăng quang năm 19 tuổi. Ảnh: Tiền Phong. |
- Gần đây, quanh tên Thu Thủy xuất hiện nhiều tin đồn, cả về tình cảm và công việc kinh doanh. Chị ứng phó với dư luận thế nào?
- Tôi không bận tâm. Những tin đồn ấy đến tai tôi hàng ngày nhưng nó chẳng làm tổn hại gì đến tôi. Tôi vẫn sống thế, không thấy mình mất mát cái gì. Những người chung quanh tôi nếu không nhìn ra được vấn đề thì đó là việc của họ. Nếu tôi có bạn trai mà anh ta nghe được tôi đang cặp với ông này, ông kia tôi cũng chẳng sợ. Hàng ngày họ tiếp xúc với mình nhưng không tin mình lại tin vào những người đâu đâu thì chẳng có gì để nói nữa cả. Tôi chỉ lo lắng cho con cái, chúng có thể ảnh hưởng bởi chúng như cây mới mọc, suy nghĩ còn non nớt khi nghe tin đồn xấu sẽ nghĩ không hay về mẹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng tôi đủ khả năng để trang bị cho con liều thuốc miễn dịch với những chuyện đó.
- Một người mẹ đơn thân làm thế nào để con cái hoàn toàn tin tưởng ở mình?
- Bản chất con cái khi còn bé bao giờ cũng yêu thương mình vô điều kiện và chưa đủ khôn ngoan để nhìn nhận cuộc đời. Con người khi lớn lên hay nghi ngờ bởi mình đã có những kinh nghiệm va vấp từ trước. Nếu con tôi đang đi thẳng và ngã, lần sau nó không còn dám đi thẳng nữa. Với con cái, khi sinh ra, lớn lên, người mẹ luôn là người bên cạnh. Người ta chỉ nhìn thấy vai trò của người mẹ ở sự chăm sóc hàng ngày như tắm rửa, giặt giũ, bón cơm nhưng người mẹ còn góp phần rất quan trọng vào sự định hướng, nói chuyện cho con để con hiểu, tạo cho chúng những nhân sinh quan để sau này thành người hiểu biết, có lối sống tích cực và sẵn sàng đối đầu mọi chuyện. Đó là những cái quan trọng và tôi ý thức được điều đó, dạy cho con những bài học đầu tiên từ chuyện rất nhỏ như ngồi ăn cơm thế nào, đi đứng ra sao, mặc quần áo kiểu gì.
- Người ta cho rằng có câu nguyền với người đẹp nên trong số 11 hoa hậu Việt Nam, những người đã lập gia đình đều nhiều bất trắc về chuyện tình cảm. Chị thấy thế nào khi điều đó ứng với mình?
- Lời nguyền chưa chắc đã đúng đâu, Diệu Hoa hạnh phúc đấy chứ. Hoa hậu chỉ có 11 người thành ra chỉ cần một người không may đã chiếm đến 10% rồi. Nếu nhìn phụ nữ bên ngoài thì có bao nhiêu phần trăm hạnh phúc ở thời buổi này? Bạn bè tôi, họ chẳng là hoa hậu hay gì cả nhưng cũng có rất nhiều vấn đề. Cách đây vài ngày, một người bạn nhắn tin cho tôi rằng: “Vững vàng lên nhé. Thực ra phụ nữ chẳng phải ai cũng thực sự hạnh phúc đâu. Quan trọng là người ta biết che đậy thế nào thôi”. Tất nhiên sự thật cũng không đến nỗi quá bi kịch như thế nhưng theo tôi hiểu làm gì có chuyện có một gia đình nào hoàn toàn yên ấm và làm gì có chuyện một người đàn ông nào yêu mình 100% mà không đòi hỏi gì? Đó chỉ có trong truyện cổ tích của trẻ con: công chúa lấy hoàng tử, sống mãi mãi hạnh phúc.
Xã hội này không tồn tại những câu chuyện như vậy. Cái quan trọng là khi có vấn đề xảy ra người ta giải quyết thế nào. Có người tránh né, có người để mặc mọi chuyện xảy ra đến đâu thì đến và có người như tôi, dám chấp nhận, xử lý nó theo hướng của mình. Bây giờ, tôi yên tâm và hài lòng với những gì đã làm bởi về mặt lương tâm, tôi thấy mình không có gì sai cả. Còn trong cuộc sống, có người may mắn, có người không, có những chuyện xảy ra bây giờ, có những chuyện xảy ra về sau. Đến như bố mẹ tôi lấy nhau ba mươi mấy năm rồi còn cãi nhau. Ông bà tôi ngày xưa sáu mươi, bảy mươi tuổi vẫn nghĩ đến chuyện ly dị, theo kiểu ông một nơi, bà một nơi.
Hoa hậu Thu Thủy năm 2006. Ảnh: Thành Nguyễn. |
- Có khi nào chị cho rằng, mình thiếu đi sự chịu đựng, nhún nhường mà người ta thường cho là nét đẹp của phụ nữ Việt Nam?
- Khi lấy chồng, tôi 26 tuổi - không còn quá trẻ nhưng có thể tôi chưa đủ chín, chưa đủ bản lĩnh để cân bằng mọi thứ. Nhìn thẳng thắn ra, nói về lỗi thì lỗi ở tôi phần nhiều vì người quyết định ly hôn là tôi. Nhưng thứ nhất đó là lựa chọn của tôi và tôi vừa ý với lựa chọn đấy, thứ hai tôi làm như vậy để được sống thật với chính mình. Có thể một ngày nào đó mình sẽ ân hận vì đã để mất những gì mà lúc này mình chưa thấy quý, vài năm nữa mới biết nó quan trọng thế nào. Hiện tại tôi hoàn toàn thấy thoải mái và hạnh phúc. Tôi phải hạnh phúc mới theo được tần suất làm việc như bây giờ.
- Quan niệm hạnh phúc thông thường là có một người để yêu, một việc để làm và một tương lai để hy vọng. Còn chị, chị nghĩ sao?
- Hạnh phúc, với tôi là mình có thể đạt đến một sự tự do nào đó và được làm những gì mình muốn, theo đuổi đến cùng những giá trị mà mình trân trọng. Có những người lấy giá trị cuộc sống là nhà lầu, xe hơi, quần áo đẹp, cuộc sống thanh nhàn. Nếu tôi nhàn tôi sẽ chết luôn. Nhiều người nhìn thấy tôi suốt ngày bươn chải đi làm, lo chuyện con cái thì bảo tôi sao cứ phải chuốc khổ vào thân. Tôi nghĩ tôi có khổ đâu. Có vất vả cũng đáng lắm. Nhiều khi mệt mỏi về đến nhà nhìn các con vui vẻ đùa chơi, tôi thấy chẳng cái gì trên đời có thể đánh đổi được.
- Vậy có thể hình dung một ngày của chị thế nào?
- Một ngày của tôi bắt đầu từ 7h, chuẩn bị đồ ăn sáng cho con trai lớn. Sau khi cháu đi học thì quay lại giường ngủ thêm một chút với bé thứ hai vì cháu mới 1 tuổi rồi cho cháu dậy ăn uống. 10h tôi đi làm, bật điện thoại , trả lời mail, trao đổi với nhân viên đến 18h rồi về nhà ăn cơm, chơi với con cái. Buổi tối tôi dạy học cho con. Lúc con đi ngủ mới có thời gian dành cho mình. Khi ấy tôi hay nghe nhạc và đọc sách, đến 24h thì ngủ. Rất ít khi tôi ra ngoài buổi tối, có khi vài tháng mới có một lần đi gặp đối tác và phải sắp xếp từ trước rất lâu.
"Hiện tại, tôi thấy hoàn toàn thoải mái và hạnh phúc". Ảnh: PCDN. |
- Trong khi nhiều người đẹp dùng nhan sắc làm lợi thế tỏa sáng trên phim ảnh, thời trang, thì chị dửng dưng với việc tham gia nghệ thuật. Lý do nào khiến chị không hào hứng với ánh đèn sân khấu?
- Tôi là người yêu nghệ thuật và tôi cho là tôi có năng khiếu về nghệ thuật. Tôi từng đi học vẽ và có không ít họa sĩ nhận xét tôi có năng khiếu hội họa. Tôi thích nghe nhạc cổ điển và khả năng thẩm âm tốt. Các nhạc sĩ gặp tôi cũng nói như thế. Bố mẹ tôi làm về ngôn ngữ học nên khả năng ngôn ngữ, khả năng viết của tôi là con nhà nòi. Tôi hoàn toàn có thể làm nhà văn hoặc nhà báo. Từng có lúc tôi muốn thành nhà báo hoặc theo đuổi bất cứ con đường nghệ thuật nào bởi làm nghệ thuật thứ nhất là phải cảm sau đó mới là sáng tạo. Cái cảm đó - tôi nghĩ là tôi có, cái sáng tạo tôi cũng có, nhưng phải đúng với môi trường.
Hai cô hoa hậu gần đây tôi đều gặp từ đầu. Một cuộc thi tôi làm giám khảo, một cuộc thi tôi tham gia trong cả quá trình nên ngay sau khi đăng quang tôi cũng gặp và nói chuyện. Khi tôi hỏi “Em muốn làm gì?”, một cô bảo “Em muốn thành ca sĩ vì em nghĩ em có khả năng hát”. Tôi cho cô ấy biết rằng nhiều người có khả năng hát lắm nhưng cô ấy bảo “Em còn hơn ở chỗ em xinh đẹp và có danh hiệu Hoa hậu. Chắc em sẽ nhanh nổi tiếng”. Tôi cho rằng đó không phải nghệ thuật vì người làm nghệ thuật là người phải sáng tạo, cống hiến hết mình cho nghệ thuật. “Người đàn bà hát” Alla Pugacheva của Nga chẳng hạn. Bà ấy lên sân khấu có nghĩ gì đến ở dưới kia có bao nhiêu fan, tối nay cát-xê bao nhiêu tiền đâu.
Có những cô hoa hậu đi đóng phim và cũng khoe mình làm nghệ thuật, tôi cho rằng đó là những người dùng tý danh hiệu, tý tiếng tăm để kiếm tiền. Đóng phim thực ra cũng dễ thôi, tôi cũng đóng được, chẳng có vấn đề gì nhưng tôi không thích những điều đó.
- Thế hệ của chị khác nhiều với thế hệ người đẹp bây giờ. Vậy chị nhìn nhận thế nào về những scandal mà các ngươi đẹp gần đây mắc phải?
- Tôi, Ngọc Khánh hay một số bạn bè cùng lứa như Vũ Cẩm Nhung, Trương Ngọc Ánh trải qua những năm bao cấp và biết trân trọng giá trị lúc khó khăn. Những cái chúng tôi cố gắng để đạt được là sự vươn lên, thoát khỏi đói nghèo. Ngày xưa, mọi thứ, kể cả danh hiệu hoa hậu của tôi, giá trị khác giờ nhiều lắm. Còn với các bạn trẻ hiện nay, mọi thứ dường như quá dễ dàng mà dễ dàng quá thì người ta không biết trân trọng.
Em trai tôi kém tôi 10 tuổi đã khác thế hệ rồi. Khi còn trẻ, tôi học hay làm gì cũng không ỷ lại vì bố mẹ là cán bộ, không có tiền cũng chả có chức vụ. Nhưng với em tôi, cuộc sống bố mẹ giờ cũng khá rồi lại có chị gái đỡ đần nên sự cố gắng chỉ ở mức bình bình. Giới trẻ giờ có cách nhìn nhận các thang giá trị khác nhau. Vì thế họ dễ sa ngã hơn. Năm 18 tuổi, lý tưởng của tôi là học giỏi, đi du học nước ngoài. Còn cái đích của các bạn bây giờ lại khác.
Không trách được họ, chỉ mong các bạn trẻ nên làm sao để dư luận đừng bị nhầm lẫn bởi những giá trị không có thật. Đơn cử như Hoàng Thùy Linh, scandal em vấp phải là sự cố. Vì sự cố ấy Hoàng Thùy Linh không được đóng phim, bị mọi người ghẻ lạnh. Lúc ấy tôi rất thương, nhưng sau ngỡ ngàng thấy em dùng chính những thứ đó để đánh bóng. Giờ em nổi lắm. Tôi biết điều này vì gần đây tôi đang làm những hoạt động makerting, nghiên cứu nhiều xem giới nào nổi tiếng. Các giá trị bây giờ nhập nhèm không như xưa nữa. Ngày xưa học giỏi, ngoan là một giá trị, còn bây giờ thì chưa chắc. Người bản lĩnh là người giữa muôn vàn cái nhiễu sóng ấy, nhận ra cái “chân” để hướng tới.
Ngọc Trần thực hiện