Cô tâm sự với VnExpress trước vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt.
- Chị có thể giới thiệu một chút về bản thân?
- Năm nay tôi 22 tuổi, cao 1,63 m, nặng 48 kg, là sinh viên năm thứ ba chuyên ngành Luật tại Đại học Anh Mỹ Prague. Tôi theo gia đình sang Czech từ năm 8 tuổi. Khi biết đến cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt, tôi quyết định dự thi để thử sức mình. Nhưng Czech không tổ chức nên tôi phải sang Đức để tham dự. Kết quả, tôi là Á hậu cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt tại Berlin và là một trong bốn người thuộc khu vực Trung Âu lọt vào vòng chung kết diễn ra tại Nha Trang vào những ngày tới.
Người đẹp tự tin nhất với nụ cười. Ảnh: L.H. |
- Chị đã chuẩn bị những gì cho vòng chung kết?
- Dù có ý thức hướng về nguồn cội đến đâu thì những người sống ở nước ngoài như chúng tôi vẫn thiệt thòi hơn về kiến thức văn hoá và hiểu biết xã hội VN. Vì vậy, tôi cố gắng đọc sách, xem thông tin trên mạng và hỏi thêm bố mẹ những kiến thức cần thiết. Trong khi tìm hiểu về lịch sử, tôi rất vui khi biết mảnh đất mình sinh ra - Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ - xưa kia là kinh đô của nước Văn Lang. Tôi thuộc lòng câu: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba".
- Hai trong số các nội dung thi sắp tới là trang phục áo dài và trang phục tự chọn. Vậy chị đã chuẩn bị đến đâu về mặt trang phục?
- Trang phục tự chọn tôi đã chuẩn bị từ bên Czech và mang về đây. Riêng áo dài, tôi cho rằng, không ở đâu may áo dài đẹp như ở Việt Nam. Trang phục dân tộc được may chính ở quê hương sẽ đẹp nhất, duyên dáng nhất. Vì vậy, tôi đã đặt một bộ ở nhà may La Hằng.
- Chị nói tiếng Việt rất tốt. Sinh sống lâu năm ở nước ngoài, làm thế nào chị giữ được tiếng mẹ đẻ?
- Trong gia đình tôi, mọi người đều nói tiếng Việt. Chỉ khi ra ngoài, tôi mới sử dụng bản ngữ. Mẹ tôi luôn khuyến khích và dạy bảo con cái nói tiếng Việt để không quên nguồn cội.
Không chỉ nói tiếng Việt, mẹ còn thường xuyên bắt tôi học nấu ăn và làm các món Việt Nam. Mẹ bảo, phụ nữ VN dù là ai cũng phải biết công việc nội trợ. Ngay từ hồi 6-7 tuổi, tôi đã phải nấu ăn nên bây giờ tôi làm khá điêu luyện các món như nem rán, bún, phở…
- Trong cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt, theo chị, điều gì là quan trọng nhất đối với mỗi thí sinh?
- Với các cuộc thi sắc đẹp, hình thức rất quan trọng, nhưng trí tuệ, cá tính và phẩm hạnh của người phụ nữ vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
"Em để tóc dài, suôn thẳng vì muốn giữ nét duyên của con gái Việt". Ảnh: L.H. |
- Về mặt hình thức, điều gì khiến chị tự tin nhất?
- Có lẽ là nụ cười. Nhưng khi lên sân khấu hay đứng trước đám đông, nụ cười của tôi thường bị cứng lại vì thiếu tự nhiên.
- Vậy điều khiến chị thiếu tự tin nhất là gì?
- Là cách ứng xử. Vì tôi ít xuất hiện trước đông người nên thường cảm thấy ngượng ngập. Hơn nữa, tuy được khen, nhưng tôi vẫn nhận thấy vốn tiếng Việt của mình còn nhiều hạn chế. Tôi sợ mình không có đủ từ ngữ để diễn đạt hết cảm xúc và suy nghĩ.
- Trước bạn bè nước ngoài, điều gì khiến chị tự hào khi mình là một cô gái Việt Nam?
- Đó là phẩm chất và đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Xã hội phương Tây phát triển nên cuộc sống của con người có phần thoải mái hơn. Nhưng đối với người phụ nữ, sự kín đáo trong ăn mặc, nói năng và xử sự của người Việt vẫn khiến tôi tự hào.
- Vậy theo chị, đâu là hạn chế của người Việt?
- Nói chung, tôi thấy ý thức bảo vệ môi trường của chúng ta chưa cao, từ những chuyện đơn giản nhất như không vứt rác bừa bãi ra đường phố, biết giữ vệ sinh chung… Nhiều người chỉ biết sạch cho mình chứ chưa biết giữ sạch cho người khác.
- Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt diễn ra vào đúng 2/9. Chị có cảm nghĩ gì về việc lựa chọn thời điểm này?
- Tôi tin là Ban tổ chức không ngẫu nhiên mà chọn lựa như vậy. Bản thân tôi biết 2/9 là ngày Quốc khánh Việt Nam. Chiều nay, khi ngồi taxi, tôi nhìn thấy bên đường có dòng chữ "Chào mừng Quốc khánh 2/9" và chợt nghĩ thế nào Ban giám khảo cũng có câu hỏi về sự kiện này. Tôi định bụng tối về sẽ tìm hiểu sách vở và hỏi thêm bố mẹ cặn kẽ về ngày này.
Chiều qua, Nguyễn Thị Hương Giang cùng mẹ và em trai đã đến Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài để trao quà ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ông Quốc Dũng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban - đã nhận số tiền 1.000 USD và 700 euro do gia đình Giang trao tặng. Trong đó, 1.000 USD là số tiền từ thiện của bố mẹ Giang, còn 700 euro là toàn bộ số tiền thưởng cô giành được trong cuộc thi tại Đức. |
Lưu Hà thực hiện