Sự kiện đầu tiên là buổi lễ trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đảo Phú Quốc trở thành đô thị loại hai, vào tối 15/11. Thứ hai là vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 với đêm thi cuối vào tối 6/12.
Hai đêm đều được tổ chức hoành tráng, thu hút rất đông người dân địa phương cũng như khán giả nhiều nơi. Cả hai lần, tôi nhớ như in cảm giác hân hoan khi ngước lên bầu trời Phú Quốc bừng nở từng chùm pháo hoa sáng rực rỡ ăn mừng sự kiện. Giữa tiếng reo hò vang dội, phấn khích của mọi người, khóe mắt tôi cay cay. “Kiên Giang mình đẹp làm sao!” - lời bài hát nổi tiếng của Lê Giang vang lên trong đầu tôi. Huyện Thoại Sơn, An Giang quê hương tôi chỉ cách Phú Quốc gần 100 km mà vẫn còn lam lũ lắm. Vì thế, dù không phải là người Phú Quốc, tôi cho mình quyền tự hào, vui lây niềm vui nơi đây.
Bất chợt, tôi liên tưởng, hình ảnh “hòn đảo ngọc” này như nàng hoa hậu vừa đăng quang cuộc thi nhan sắc. Mới ngày nào nàng e ấp, ngây thơ, tỏa hương ý nhị, chưa biết tô son dồi phấn. Thì nay, nàng đội trên đầu vương miện lấp lánh. Có người trầm trồ nhan sắc nàng, nhưng cũng có người nơm nớp lo: Nàng có xứng đáng với danh hiệu đoạt được? Mai này nàng còn giữ được nét duyên?
Ý nghĩ tưởng như bông đùa ấy lại là câu hỏi được nêu ra tại buổi gặp gỡ giữa đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc và đoàn phóng viên cả nước về đây theo dõi vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014: Liệu trên đà phát triển, Phú Quốc có giữ được nét đẹp thiên nhiên hoang sơ, trong lành, yên bình vốn có?
Tại buổi gặp này, sau khi giới thiệu về ưu thế và điểm mạnh của Phú Quốc, về niềm phấn khởi do lượng khách du lịch tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang… ông Phạm Văn Nghiệp - Phó Chủ tịch huyện - không giấu diếm nỗi lo. Huyện đảo đang đau đầu đối phó với tình trạng rác thải gia tăng, báo động về ô nhiễm môi trường và vẫn đang lúng túng trong việc làm thế nào có hệ thống xử lý chất thải. Rồi chuyện không ít người dân huyện đảo có số tiền lớn nhờ được đền bù đất giải tỏa lại không chịu làm ăn, cứ cắt đất bán dần để tiêu xài. Lãnh đạo huyện mở lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho con em địa phương nhằm bổ sung vào lực lượng lao động dịch vụ cao cấp mà một khu resort năm sao đang rất cần nhân lực. Lớp mở được một thời gian chỉ còn lại lác đác hai đến ba người do phần lớn nản chí, bỏ cuộc.
Có những người trẻ sinh ra ở Phú Quốc từ bỏ huyện đảo để đến các đô thị như TP HCM, Hà Nội… Và có rất nhiều đứa trẻ Phú Quốc đen nhẻm, hàng ngày lang thang, đội nắng dọc những con đường biển du lịch rao bán các món hàng du lịch rẻ tiền, xấp vé số… Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, resort đủ mọi loại hình đã, đang và sẽ xuất hiện ở Phú Quốc. Người ta thấy đâu đó tương lai của một Đà Lạt, một Nha Trang, một thành phố biển Phan Thiết, Vũng Tàu thu nhỏ nơi này… Nhưng giữa những con đường bụi bặm, ngổn ngang xây dựng, chất riêng của Phú Quốc dường như vẫn còn ẩn khuất.
Từ mô hình đô thị loại hai, Phú Quốc rồi có thể sẽ trở thành thành phố. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình tiến tới thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc tương lai. Giấc mơ biến hòn đảo lớn nhất Việt Nam này thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế của Việt Nam đang trong tầm tay.
Nhưng tương lai ấy cũng không phải quá gần. Bởi Phú Quốc như nàng hoa hậu sau đêm đăng quang còn phải đối diện với lo toan và áp lực.
Dương Vân