Sau buổi chụp ảnh, hoa hậu cùng những người đẹp đoạt giải và ban tổ chức cuộc thi bắt đầu chương trình làm từ thiện đầu tiên. Cả đoàn đã viếng thăm và tặng quà ba gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam và khuyết tật ở Nha Trang. Chiều cùng ngày, hoa hậu lại tham gia chương trình Talk Vietnam cùng nhiều hoạt động khác. Dưới đây là cuộc trò chuyện với Hoa hậu Thế giới người Việt đầu tiên.
Hoa hậu Ngô Phương Lan thăm hỏi em Trần Thị Thu Trang (nạn nhân chất độc da cam) tại đường Cửu Long, phường Phước Hòa, TP Nha Trang. Ảnh: Tiền Phong. |
- Cảm giác sau gần một ngày đăng quang của chị thế nào?
- Tôi rất hạnh phúc. Cảm giác hồi hộp và cả run nữa trong phần ứng xử tối chung kết vẫn còn đây. Rất nhiều cảm xúc. Nhiều đến không biết phải dùng bao nhiêu từ để diễn tả cho hết những cảm xúc của mình! (cười thật tươi).
- Câu trả lời ứng xử của chị đã chinh phục tuyệt đối ban giám khảo và khán giả. Chị đã chuẩn bị thế nào cho phần trả lời?
- Thật ra ban tổ chức có đưa một số gợi ý về “vùng” sẽ hỏi chứ không phải những câu hỏi cụ thể. Tôi cũng chỉ chuẩn bị phần thi ứng xử dựa trên những gợi ý. Và tôi đã trả lời câu hỏi bằng tất cả những hiểu biết và tình cảm của mình. Có lẽ nhờ vậy mà nhận được nhiều ủng hộ chăng?
Ngô Phương Lan trình diễn trang phục dạ hội trong đêm chung kết. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
- Vừa thăm và tặng quà các gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam và khuyết tật, chị lại mong muốn được dành một phần tiền thưởng của mình để giúp đỡ trẻ em bị bệnh tim. Vì sao chị chọn đối tượng này để giúp đỡ?
- Ở Thụy Sĩ, tôi cũng đang tham gia hoạt động đóng góp cho các trẻ em bị bệnh tim. Từ trước đến nay tôi rất quan tâm đến đối tượng này vì tôi cảm thấy đây là những đối tượng cần cứu giúp khẩn cấp. Các em quá nhỏ, càng không mau chữa bệnh càng ảnh hưởng đến sinh mạng. Khi về VN, do không có nhiều thời gian sinh sống trong nước nên tôi chưa được biết nhiều lắm về các tổ chức hoạt động từ thiện. Vì vậy, tôi tiếp tục chọn giúp đỡ các em bị bệnh tim trong thời gian tìm hiểu thêm về các tổ chức từ thiện khác.
- Ngô Phương Lan từng thi hoa hậu khi mới 13 tuổi. Chị có thể kể lại kỷ niệm này?
- Năm 13 tuổi, tôi từng ghi danh học một khóa người mẫu tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Bố mẹ đều ủng hộ, bởi khóa học này không chỉ hướng dẫn học viên những bước đi trên sàn catwalk mà còn rèn luyện cách đi đứng, ăn mặc, hành xử, giao tiếp... sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Khi học xong tôi đã đăng ký thi hoa hậu (lúc 14 tuổi) như một cách tự hoàn thiện bản thân, rèn luyện sự tự tin và thử nghiệm chính mình. Có điều lúc đấy tôi chưa đủ tuổi dự thi (cười) nên bố mẹ đã khuyên tôi tạm dừng cuộc thử nghiệm.
Từ bé, Ngô Phương Lan đã rất tự tin, thích thử thách bản thân. Ảnh: Tiền Phong. |
- Tại sao chị quyết định tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt?
- Bố mẹ tôi đều làm ngoại giao. Bản thân tôi cũng đang là sinh viên năm 3 ngành xã hội và quan hệ quốc tế của Đại học Geneva, nên tôi đặc biệt quan tâm đến các hoạt động có tính kết nối người Việt khắp toàn cầu và quảng bá hình ảnh VN ra thế giới. Cuộc thi hoa hậu này mang ý nghĩa tuyệt vời đó nên tôi tham gia và may mắn đoạt giải.
- Hoa hậu phải dành một tháng để thực hiện các “nghĩa vụ” tại VN. Điều đó liệu ảnh hưởng thế nào đến lịch học của chị?
- Tôi cho rằng một tháng tham gia trong các hoạt động xã hội tại VN sẽ vô cùng có ích cho một sinh viên đang theo học ngành xã hội và quan hệ quốc tế như tôi. Đây là cơ hội tuyệt vời để tôi được tiếp xúc và tìm hiểu sâu hơn về đất nước, con người và văn hóa VN. Đây cũng là cơ hội tốt để tôi thực hành những kiến thức mình đã được học. Hơn nữa, chương trình học đại học rất linh hoạt, tôi hoàn toàn có thể sắp xếp lịch học và các chương trình xã hội một cách hợp lý nhất. Với những gì được học và kinh nghiệm từ thực tế, tôi hy vọng mình sẽ là một nhà ngoại giao giỏi trong tương lai.
Hoa hậu trong mắt cha Trên khán đài đêm tổng duyệt Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt có một vị khách đặc biệt. Dùng chiếc máy quay phim nhỏ, ông lặng lẽ cùng vợ ghi hình, đó chính là bố của hoa hậu Ngô Phương Lan, ông Ngô Quang Xuân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. - Cảm xúc của ông trước sự kiện Phương Lan đăng quang?
- Tôi rất xúc động. Đây là một hạnh phúc cho cả gia đình vì lúc đầu chúng tôi muốn cháu tham gia để mở rộng tầm nhìn và quan hệ thôi. - Ở nhà, Ngô Phương Lan là người như thế nào? - Lan là một người có cá tính, có nỗ lực bản thân rất cao. Khi mới sang Thụy Sĩ, cháu giỏi tiếng Anh, nhưng bên ấy dùng tiếng Pháp. Chúng tôi phải gửi cháu tới một trường quốc tế của Pháp ở gần biên giới để cháu học tiếng. Thế mà chỉ sau hai năm, nó đã đỗ tú tài toàn phần, nói như các cụ mình là tú tài Tây. Nói chung Lan là đứa quyết liệt lắm. May mà cháu nó ngoan đấy! - Ngô Phương Lan đang học quan hệ quốc tế, ngành này là theo gợi ý của ông hay Lan tự chọn? - Có một phần là do tôi thôi, vì Lan có khả năng giao tiếp, hoạt động xã hội. Chúng tôi chỉ là người tư vấn. Tuy nhiên, ở trường mà cháu nó học, kiến thức cũng khá rộng nên tôi nghĩ nếu muốn, sau này làm gì cũng được. - Tương lai thì Lan sẽ ở lại nước ngoài hay về Việt Nam? - Lan muốn về. Chúng tôi rất đồng ý với việc đó. Một năm nữa cháu ra trường, có thể đi làm vài năm rồi sau đó sẽ đi học tiếp cho vững vàng. Ngoại giao là đam mê mà tôi theo đuổi. Nghề ngoại giao rất vất vả, nhưng chính sự vất vả ấy lại giúp cho mình trưởng thành rất nhanh. Chúng tôi cũng muốn Lan được trưởng thành theo cách như thế. - Trong nhà, Ngô Phương Lan giống ai? - Giống cả mẹ, cả ba. Chiều cao thì Lan giống ông nội. Tôi bình thường nhưng ông nội của cháu cao lắm. - Ông bà có thể cho biết xu hướng hôn nhân của Lan như thế nào? - Việc này hơi khó nói trước vì nó liên quan đến duyên số. Tuy nhiên chúng tôi khuyên các cháu nên lấy chồng người Việt Nam. Không phải phân biệt hay kỳ thị gì mà là văn hóa. Sống với nhau phải trên cùng một nền tảng văn hóa. Cả Lan và chị gái của Lan cũng đồng ý với chúng tôi như thế. (Theo Thanh Niên) |
(Theo Tuổi Trẻ)