- Xa quê đã 27 năm, cuộc sống của chị bên Mỹ hiện tại ra sao?
- Năm 1991, tôi qua Mỹ sinh sống sau hai năm đăng quang hoa hậu. Khi còn ở Việt Nam, tôi học nghề làm tóc như mẹ dặn và qua đó mở tiệm nên cuộc sống ổn định. Tôi kết hôn và có ba đứa con. Tôi và chồng cũ ly hôn sau chín năm ở với nhau do không cùng quan điểm suy nghĩ trong cuộc sống. Tôi sống một mình nuôi ba con đến tận bây giờ. Hiện tôi làm công việc kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như truyền hình, chăm sóc sắc đẹp, địa ốc và quản lý một viện dưỡng lão. Tôi tự chủ, độc lập về tài chính, nuôi ba con nên người. Hiện tôi tìm hiểu một người. Chúng tôi quen nhau gần hai năm. Năm ngoái, anh ấy cùng tôi về Việt Nam dự sự kiện. Đó cũng là lần đầu tôi giới thiệu bạn trai của mình với bạn bè.
- Chị và bạn trai đến với nhau như thế nào?
- Lúc tôi đổ vỡ hôn nhân, tôi có quen hai, ba người nhưng gia đình họ không chấp nhận vì tôi là phụ nữ đơn thân, có ba con. Đến khi quen bạn trai hiện tại, tôi vui khi được mẹ anh ấy chấp nhận. Bà ấy cũng một mình nuôi ba đứa con nên thông cảm và hiểu cho tôi. Bạn trai tôi làm về địa ốc, tôi làm thiết kế nhà cửa, chúng tôi cùng làm trong một lĩnh vực nên dễ chia sẻ, hiểu nhau.
Tôi đồng ý tìm hiểu anh vì anh là người có tâm hồn đẹp. Anh cũng từng một lần đổ vỡ hôn nhân và là cha của hai đứa con. Ở xã hội này những người đàn ông có điều kiện, cơ hội họ sẽ dễ bị sa ngã, thu hút bởi những cô gái đẹp. Tôi quen nhiều người ở Việt Nam, đa số họ mắt nhắm, mắt mở trước việc chồng hay bạn trai ngoại tình. Còn tôi lại hoàn toàn tin bạn trai tôi là người đàng hoàng. Bởi chúng tôi làm việc gì cũng cùng bàn bạc và nói cho nhau biết. Nếu một người có tiền mà lăng nhăng muốn đến với tôi thì tôi chọn sống một mình còn hơn.
- Chị nghĩ gì về việc kết hôn lần nữa?
- Chúng tôi mới quen nhau gần hai năm. Với tôi cả hai còn nhiều điều chưa hiểu nhau lắm, cần thêm thời gian để mỗi người tự hoàn thiện bản thân. Sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, tôi rút ra được kinh nghiệm đó là phải chịu khó tìm hiểu kỹ đối tượng mình lấy làm chồng, đừng vì quá yêu mà kết hôn. Vả lại tôi không có có gì phải vội. Tôi đợi con út vào đại học thì mới tính đến chuyện xa xôi hơn.
Quan niệm của tôi hãy cứ là tình nhân nhiều khi lại hạnh phúc hơn. Ngày xưa, tôi cũng xem ngày, giờ, làm giấy đàng hoàng, rồi chia tay vẫn phải chia tay. Với tôi quan trọng là mình sống thoải mái, hạnh phúc, hiểu và thông cảm cho nhau.
- Con cái ủng hộ chị như thế nào trong chuyện tình cảm?
- Từ đầu tôi đã giao ước với các con, chuyện riêng tư của mẹ chúng không có quyền xen vào. Người nào làm cho tôi vui, hạnh phúc, chúng nó đều đồng ý, miễn đừng làm cho tôi khóc. Tôi nghĩ chúng nó đâu ở cạnh bên tôi mãi, có gia đình chúng cũng bỏ tôi mà đi. Chỉ có người bạn đời sẽ sống cạnh bên tôi.
- Tình yêu ở tuổi 49 của chị khác xưa như thế nào?
- Khi còn trẻ mọi người yêu một cách ngây thơ, mù quáng, dù biết không hạnh phúc cũng lao đầu yêu, tôi cũng vậy. Bây giờ yêu ai, tôi phải cân nhắc đủ thứ, không phải chuyện kinh tế mà họ có mang lại cho tôi hạnh phúc hay không? Khi yêu ai, ti sẽ ghi chép lại ngày nào vui, ngày nào buồn và đánh dấu chúng trong cuốn lịch. Qua một tháng tôi lại tổng kết. Nếu qua hai năm mà ngày buồn nhiều hơn vui thì tôi nghĩ nên kết thúc mối quan hệ đó, để họ đi tìm hạnh phúc mới.
Ở tuổi này, tôi và người yêu không phải dành những lời âu yếm hỏi thăm nhau như thời trẻ. Không phải cái kiểu nếu tôi bệnh thì anh ở bên tôi 24/24 giờ, hồi trẻ chắc sẽ làm vậy (cười). Bây giờ, chúng tôi thi thoảng nói lời chúc ngủ ngon, hỏi thăm tình hình công việc. Chúng tôi chia sẻ những niềm vui, buồn trong công việc trong cuộc sống. Đó là cách yêu của tôi hiện tại.
- Chị làm sao vượt qua giai đoạn thiếu vắng người đàn ông trong gia đình?
- Khi chia tay chồng cũ, tôi có buồn nhưng rồi trách nhiệm của một người mẹ, công việc buộc tôi không suy nghĩ nhiều và phải vươn lên để lo cho bản thân, cho con. Cuộc sống bên Mỹ tập cho đàn ông, đàn bà sống mạnh mẽ, độc lập. Bên Mỹ người phụ nữ vẫn đi làm, vẫn lo gia đình. Lúc mới ly hôn tôi cũng khá vất vả, dù bị bệnh tôi cũng phải đưa con đến trường, ngôn ngữ bất đồng cũng là một vấn đề tôi giải quyết. Sự cố gắng của tôi cuối cùng rồi cũng được đền đáp khi con cái ngoan ngoãn, kinh tế ổn định. Nhiều bạn bè bảo tôi quá mạnh mẽ, khiến đàn ông bên cạnh thiếu tự tin. Nhưng tôi là vậy. Thích một mình xoay chuyển cuộc đời mình.
Tôi cũng dạy con theo cách tôi muốn. Ở Mỹ, con cái 17-18 tuổi là tách riêng, còn con tôi làm gì thì làm đến 21 tuổi tôi mới buông ra. Như vậy không có nghĩa là tôi bảo bọc, nuông chiều con. Tôi dạy chúng biết kiếm tiền từ sức lao động của mình, không phung phí. Tôi vẫn giữ cách nuôi dạy truyền thống của gia đình Việt: lễ phép, kính trên nhường dưới. Con gái phải biết nấu ăn, chăm sóc nhà cửa. Con trai dẫn bạn gái về, câu tôi hỏi đầu tiên là: "Cháu biết nấu ăn không?". Nếu bạn gái con tôi trả lời "không" thì con trai tôi tự biết đường mà tính (cười). Tôi dạy các con không được yếu mềm, biết đương đầu với khó khăn.
- Chị nghĩ gì về câu nói: "Không phải những người đẹp là người hạnh phúc, mà những người hạnh phúc là những người đẹp"?
- Theo tôi, thường người đẹp chưa chắc được hạnh phúc vì người đẹp thường có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn, hay "đứng núi này trông núi nọ". Tạo hóa thường cho con người ta cái này sẽ lấy đi cái khác, như mọi người thường gọi là "hồng nhan đa truân". Nhiều người không đẹp bù lại họ được hạnh phúc. Dù đẹp hay xấu nếu mình vui với những gì đang có đó là hạnh phúc đích thực.
* Hoa hậu Kiều Khanh tạo dáng chụp áo dài