Ngày 13/3, nguồn tin từ Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch cho biết đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại quốc tế (CIAT) và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam.
Sau lần thứ nhất diễn ra tại Đà Lạt (Lâm Đồng) năm 2007, lần thứ hai tại TP HCM năm 2011, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ sẽ diễn ra tại thành phố du lịch Hội An. Cuộc thi là hoạt động nằm trong chương trình "Festival Di sản Quảng Nam" lần thứ V do tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Theo Ban tổ chức, các thí sinh dự thi phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Là nữ công dân của các dân tộc Việt Nam, hiện sinh sống và làm việc tại các vùng trên lãnh thổ nước Việt Nam (dân tộc Kinh, Mường, Mông, Tày, Nùng, Mơ Nông, Gia Rai, Êđê, K’Ho, Chăm, Hoa...), có độ tuổi 18 - 28, cao từ 1,6m trở lên, có tư cách đạo đức tốt, có trình độ văn hóa tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên. "Đặc biệt các thí sinh phải chưa lập gia đình, chưa sinh con. Do đây là cuộc thi dành cho các thí sinh là đồng bào dân tộc, nên sẽ có trường hợp thí sinh đã tổ chức cưới theo phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, nhưng chưa đăng ký kết hôn hoặc có thời gian chung sống như vợ chồng. Trường hợp này sẽ không được tham dự cuộc thi" - đại diện Ban tổ chức cho biết. Ngoài ra, các thí sinh đã đoạt danh hiệu trong các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp những năm 2007 - 2012, khi đăng ký tham gia cuộc thi sẽ được Ban tổ chức xem xét để đặc cách vào thẳng vòng chung kết.
Vòng sơ tuyển cuộc thi diễn ra vào đầu tháng 5 tại TP HCM, với hình thức xét tuyển qua hồ sơ và ảnh của thí sinh. Vòng bán kết diễn ra từ ngày 9 đến 19/5 tại Hà Nội và TP HCM với các nội dung thi: Thi trang phục dân tộc, ứng xử và đo nhân trắc học. 40 thí sinh xuất sắc sẽ được tuyển chọn vào vòng chung kết tại Hội An.
Đêm chung kết diễn ra lúc 19h30 ngày 21/6 với các phần thi: Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; Trình diễn trang phục áo tắm và Trình diễn trang phục dạ hội; chọn ra 15 thí sinh có số điểm cao nhất và 5 thí sinh tham gia vòng thi ứng xử, từ đó tìm ra các ngôi vị cao nhất. Đêm chung kết được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Quảng Nam.
Người đăng quang sẽ nhận giải thưởng là 100 triệu đồng, vương miện và Bằng chứng nhận của Ban tổ chức, Á hậu 1 nhận giải thưởng 50 triệu đồng, Á hậu 2 nhận 30 triệu đồng. Ngoài ra Ban tổ chức còn trao các danh hiệu: "Người đẹp thân thiện", "Người đẹp Quảng Nam", "Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất", "Người đẹp có thể hình đẹp nhất", "Người đẹp có gương mặt đẹp nhất", "Người đẹp tài năng nhất" và "Người đẹp du lịch" với mức giải thưởng là 10 - 20 triệu đồng.
Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần ba gồm: Đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm Báo chí Hợp tác Truyền thông Quốc tế (Bộ Thông tin Truyền thông) - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo; ông Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Giám khảo; Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh - Chủ tịch Hội người mẫu Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cùng các thành viên: Tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp, Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt Việt Nam 2009, Á hậu 2 Mrs World 2009 Hoàng Thị Yến, nhạc sĩ Linh Nga Niê KĐăm và NSƯT Vi Hoa.
Huy Phạm