Ông Vũ Quốc Tuấn cho biết có mấy căn hộ và nhà đang cho thuê tại TP HCM theo loại hình bao trọn gói tiền nhà và điện cho khách. Mới đây, nhận hóa đơn tháng 8, ông tá hỏa vì tiền điện tăng mạnh so với các tháng trước. Cụ thể, căn nhà cho thuê tại An Dương Vương, quận 5 có hóa đơn tiền điện tháng rồi lên đến 17,9 triệu đồng, cao hơn tháng 7 khoảng 1,75 lần.
Tất cả nhà cho thuê đều được ông kiểm soát thiết bị điện, hẹn giờ máy lạnh, chỉnh đúng nhiệt độ là 26 độ C. Máy lạnh dùng inverter tiết kiệm điện, ra vào có bộ đóng cửa tự động để ngăn mất hơi lạnh, khách thuê không được đem thiết bị điện vào thêm. "Tôi không hiểu lý do vì sao lượng điện tiêu thụ của tôi tăng vọt đẩy giá lên cao chót vót", ông Tuấn nói.
Tương tự, tiền điện tháng 8 của căn chung cư ở quận 1, Gò Vấp và các nơi khác của ông Tuấn cũng tăng đột biến lên gấp đôi so với tháng trước.
Chị Nga ở Tân Thuận (quận 7) cũng cho hay tổng tiền điện tháng rồi của nhà chị lần đầu tiên lên 6,3 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với tháng 7 cũng như cùng kỳ 2022.
Hóa đơn điện của nhiều gia đình khác ở quận 7, 1, 5, Gò Vấp... cũng tăng gấp đôi so với tháng trước và tăng khoảng 3-4 lần so với đầu năm.
Lý giải tình trạng này, ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM, cho biết trong kỳ ghi điện vừa qua, có 400.000 khách hàng bị thay đổi thời gian ghi điện, chuyển từ các ngày giữa tháng sang cuối tháng. Do đó, thay vì số ngày ghi điện là 31 ngày nếu tính từ 11/7 đến 10/8, nay chuyển sang 52 ngày vì ngày ghi điện kéo dài đến 31/8. Chỉ có một tháng thay đổi thời gian ghi điện này làm tăng số tiền điện của khách hàng do số ngày tăng lên. Từ các tháng sau, tiền điện của khách hàng sẽ trở về tương đương với các tháng trước đó (tức tính từ ngày đầu đến ngày cuối mỗi tháng).
Theo ông Kiên, khi thay đổi ngày ghi này, điện lực thành phố đã có thông báo cho khách qua nhiều kênh như website ngành điện, Zalo, nhắn tin qua điện thoại. Đối với chung cư, điện lực có nhờ ban quản lý thông báo đến cư dân.
Ông này giải thích thêm, trước đây do việc ghi điện được thực hiện bằng phương thức thủ công (cán bộ điện lực đến từng nhà dân ghi), không thể ghi hóa đơn điện vào cùng một ngày mà phân ra nhiều đợt. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt công tơ ghi chỉ số từ xa, ngành điện có thể chuyển đổi sang ghi điện đồng loạt vào ngày cuối của mỗi tháng để thuận tiện hơn cho chu kỳ kế toán (tức 12 kỳ một năm).
Ngoài ra, khi kết số đồng loạt vào cuối tháng, ngành điện sẽ có dòng tiền đầy đủ để trả cho các đối tác bán điện mà không bị hụt dòng tiền. Nếu các đợt điều chỉnh giá điện rơi vào ngày đầu tháng, việc tính toán tiền điện cho khách hàng cũng sẽ rất thuận tiện, giúp giảm chi phí giá thành kinh doanh.
Về phía khách hàng, ông Kiên cho rằng khi ghi chỉ số công tơ về hết cuối tháng, dân sẽ dễ nhớ và không quên đóng tiền dẫn đến bị cắt điện.
Sau đợt này, TP HCM có khoảng 60% khách hàng dùng điện được chuyển sang ghi vào ngày cuối cùng mỗi tháng. Sắp tới, công ty tiếp tục thay đổi với nhóm khách hàng có số ngày ghi điện từ ngày 3/9.
Ông Kiên cũng khẳng định trong tháng thay đổi kỳ ghi chỉ số, định mức sinh hoạt sẽ tính thêm tương ứng với số ngày thay đổi theo đúng quy định. "Sẽ không có chuyện ngành điện vẫn dùng định mức cũ khi số ngày ghi tăng lên, khiến khách hàng bị cộng dồn tiền điện cao hơn", ông nói.
Cụ thể, như trường hợp của nhà ông Tuấn, ghi nhận trên hóa đơn mà VnExpress được cung cấp cho kỳ điện tháng 8 với tổng điện năng tiêu thụ 5.625 kWh cho thời gian 49 ngày từ 13/7-31/8. Số điện năng tiêu thụ tăng 1,7 lần so với tháng 7 nên số tiền điện tăng tương ứng 1,7 lần. Trong đó, số điện định mức bậc 1 cho thời gian 12/7-11/8 là 50 kWh và từ 12/8-31/8 là 31 kWh. Các bậc tiếp theo cũng được tính tương tự để cân đối và không cộng dồn (xem chi tiết bảng tính dưới đây).
Do đó, với số ngày chênh lệch thêm 19 ngày, khách hàng phải đóng thêm gần 6,8 triệu đồng so với tháng tính điện trước đó. Tuy nhiên, cả 2 phương án tính toán tách và cộng dồn đều cho ra số tiền bằng nhau.
Với những trường hợp lượng điện năng tiêu thụ tăng gấp đôi, gấp ba so với những tháng đầu năm dù vẫn sử dụng thiết bị điện như thông thường, ông Kiên cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, các thiết bị điện sử dụng lâu cũng sẽ tiêu hao nhiều điện năng hơn. Ngoài ra từ tháng 6-8, ở TP HCM nắng nóng, học sinh ở nhà nhiều hơn nên việc tiêu thụ điện của người dân cũng cao hơn.
Trường hợp khách hàng có số điện tiêu thụ tăng vọt có thể gọi điện phản ánh lên EVNHCM để nhân viên chuyên trách đến kiểm tra và giải thích. "Hiện, toàn bộ TP HCM đã thu thập dữ liệu sử dụng điện từ xa qua công tơ điện tử nên rất khó có sự sai lệch về số điện năng tiêu thụ", ông Kiên nhấn mạnh.
Liên quan việc thay đổi ngày ghi điện, nhiều hộ không phản đối nhưng cho rằng việc ngành điện cộng dồn quá nhiều ngày vào một kỳ tính khiến họ bị áp lực khoản tiền thanh toán.
Một hộ dân ở quận Gò Vấp cho biết giữa tháng 7 có nhận được tin nhắn dời ngày ghi điện sang cuối tháng từ phía điện lực. Khi nhận hóa đơn, bà thấy đã được cộng dồn số ngày thanh toán lên tới 46-55 ngày. "Tại sao lại cộng dồn quá nhiều ngày như vậy khiến hóa đơn tiền điện nhà tôi tăng gấp bội, trong khi chưa được sự đồng ý của khách hàng", bà nói.
Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng việc điện lực chỉ gửi một tin thông báo và chưa có sự đồng ý của khách hàng mà vẫn triển khai là hành vi coi thường người tiêu dùng và không tuân thủ hợp đồng dân sự đôi bên.
Phản hồi vấn đề này, ông Kiên cho biết trước đây Tổng công ty điện lực TP HCM đã tính đến phương án cộng 5-7 ngày mỗi kỳ thay vì cộng dồn vào một kỳ như hiện tại. Nhưng đơn vị này thấy rằng định mức mỗi bậc thang giá đã tăng lên tương ứng số ngày cộng thêm, số tiền khách hàng trả cho lượng điện mình dùng không bị cộng dồn nên doanh nghiệp chọn cách thay đổi một lần cho nhanh và thuận tiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), đang quản lý 21 tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau (trừ TP HCM), cho rằng liên quan đến lộ trình thay đổi lịch ghi chỉ số về ngày cuối tháng, công ty này đang triển khai theo đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Theo đó, trước khi triển khai, EVNSPC đã họp với 21 Sở Công Thương để thông tin, nhận góp ý và đã đạt được sự đồng thuận. Công ty không thay đổi số ngày ghi hóa đơn quá lớn mà sẽ dịch chuyển từ từ, tháng sau sẽ có số ngày cao hơn tháng trước vài ngày (đến khi tiệm cận đến ngày cuối tháng) để không tác động quá lớn đến tài chính của khách hàng, nhất là với những gia đình không có điều kiện.
Trước khi thay đổi, EVNSPC cũng thông báo cho khách hàng. Nếu họ đồng ý thì công ty chuyển luôn về cuối tháng. Trương hợp khách hàng không đồng ý, ngành điện sẽ chuyển từ từ, miễn sao đạt được lộ trình mà không tác động quá lớn với khách hàng.
"Việc thay đổi này sẽ áp dụng từng địa bàn, đảm bảo tới năm 2025 sẽ có 100% khách hàng chuyển kỳ chốt chỉ số vào ngày cuối tháng", ông Đức nói.
Thi Hà