Ảnh: Corbis.com |
Tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM, hôm qua Tuấn cho các bác sĩ biết, em rất lo lắng trước áp lực bài vở của mùa thi tốt nghiệp, hơn nữa bố mẹ còn yêu cầu phải đỗ bằng được vào trường chuyên. "Cặm cụi bên đống sách Văn để học dẫn chứng suốt 2 tuần mà chữ nghĩa cứ nhảy múa, câu nọ xọ câu kia", Tuấn nói.
Các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP HCM khẳng định, Tuấn bị stress do quá căng thẳng thần kinh.
Tương tự Tuấn, Nguyễn Hải Minh, học sinh lớp 5, Trường THCS Hồng Bàng quận 5, cũng phải đến khám tại bệnh viện tâm thần vì chứng trầm cảm, học đâu quên đấy.
Trò chuyện với các bác sĩ tâm lý, Minh cho biết, em là một học sinh có học lực trung bình. Thế nhưng trước kỳ thi, bố mẹ ra điều kiện, nếu tất cả môn đều đạt điểm 9 trở lên mới cho đi Trung Quốc chơi.
"Sợ không được đi chơi nên em đã cố gắng học ngày đêm, nhưng không hiểu sao càng học càng rối. Kể cả bảng cửu chương vốn đã thuộc lòng, thế mà nay phải suy nghĩ lắm mới nhớ", Minh nói.
Mỹ Châu, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM đã phải nhập viện cấp cứu trước mùa thi. Trong chẩn đoán, nguyên nhân hạ đường huyết do suy dinh dưỡng được các bác sĩ loại trừ và khẳng định, Châu bị ngất do quá căng thẳng thần kinh.
Tại Trung tâm tư vấn tâm lý Ý tưởng Việt, trò chuyện với Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Châu cho biết, là sinh viên trong nhóm 10 người học giỏi nhất trường, em luôn lo sợ tụt hạng. Thêm nữa, học kỳ vừa qua có nhiều môn không thuộc sở trường nên Châu càng lo lắng hơn. Cuối cùng bị ngất.
"Thật đáng sợ, đầu em thường xuyên bị quay cuồng, tai kêu ù ù. Những công thức hóa học đơn giản nhất em cũng không thể ghi được kết quả, thậm chí khi được giám thị hỏi học lớp nào và tên gì, em cũng không nhớ", Châu nói.
Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp, Trưởng Khoa Khám tâm thần trẻ em, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP HCM cho biết, mỗi tuần, bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 ca bệnh thần kinh nói chung đến khám và điều trị. Vào mùa thi, con số này tăng lên thêm hàng chục ca. Đa số các trường hợp đến khám đều có biểu hiện stress do áp lực bài vở căng thẳng.
Còn tại Trung tâm Tư vấn Tâm lý Ý tưởng Việt, cứ mỗi mùa thi có khoảng hàng chục sinh viên học sinh đến nhờ tư vấn. "Đa số các ca đều có điểm chung là quá căng thẳng thần kinh dẫn đến tâm lý bất ổn", tiến sĩ Sơn cho biết.
Xét về góc độ chuyên môn, theo bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp, nguyên nhân của các rối loạn tâm thần vốn rất phức tạp. Ngoài yếu tố sinh học như bệnh lý do di truyền, thì những tác động bên ngoài như gia đình, trường học, xã hội có ảnh hưởng rất lớn.
Bà Diệp cho biết, tại Bệnh viện Tâm thần, không ít trường hợp chỉ vì quá lo sợ rớt hạng thua bạn hoặc cha mẹ yêu cầu quá cao mà trẻ bị rối loạn tâm thần, học hành không nhớ được kiến thức, mất ngủ kéo dài... phải điều trị đến nhiều tháng liền mới khỏi.
Cũng theo bác sĩ Diệp, ngoài việc bị áp lực từ bên ngoài thì lối học đối phó, đợi đến mùa thi mới học dồn, lo ngại không đủ thời gian để học sẽ khiến não hoạt động quá căng thẳng sinh stress.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nhắc nhở, để có tâm lý ổn định trong mùa thi, học sinh sinh viên cần lưu ý đến phương pháp học tập, ôn tập thật hợp lý. Việc tự đặt mình vào thế khó, buộc phải đạt điểm cao ở những môn học không thuộc sở trường chỉ khiến thần kinh bị căng gây rối loạn tâm lý, giảm trí nhớ, thậm chí đầu óc bị "rỗng không".
"Vai trò của gia đình trong thời gian các sĩ tử ôn thi là cực kỳ quan trọng", tiến sĩ Sơn nói. Các nghiên cứu tâm lý cho thấy, sự khuyến khích động viên sẽ giúp các em cảm thấy tự tin, thoải mái tinh thần, ngược lại, thái độ áp đặt, ra điều kiện hoặc răn đe sẽ khiến các em, nhất là các em yếu thần kinh dễ căng thẳng.
Còn theo các bác sĩ chuyên khoa tâm lý Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, Đồng Nai, để tránh bị "tẩu hỏa nhập ma", người học cần kết hợp giữa học tập với các hoạt động thể lực nhẹ nhàng như đi bộ, chạy xe đạp, nhảy dây, bơi lội...
Yếu tố môi trường có tác động rất lớn đến tâm lý học tập. Nếu ở nhà quá ồn ào thì nên tìm những chỗ yên lặng hơn như thư viện, thậm chí chùa chiền, công viên để học.
Riêng các bậc phụ huynh nếu thấy con em có biểu hiện bất thường như mất ngủ kéo dài, ánh mắt thất thần, than nhức đầu thì cần đưa cháu đến bác sĩ để khám. Không nên tự ý mua các loại thuốc bổ não như citicholin, piracetam, glyceryl phosphorylcholin để điều trị vì các thuốc này hoàn toàn không có tác dụng tăng cường trí nhớ. Dùng quá liều còn bị sốc thuốc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh.
Việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng như nhân sâm cũng chỉ có tác dụng chống mệt mỏi, làm tăng khả năng tập trung và sự nhạy bén chứ không phải là thần dược tạo ra trí nhớ hay sự thông minh.
Thiên Chương