Tôi cũng chẳng nhớ nổi mình đã đến với Tây Nguyên bao nhiêu lần, năm ít thì một, năm nhiều vài ba bận, nhưng có lẽ, mùa này Tây Nguyên khiến tôi say đắm nhất, bởi con gió, mảnh trăng đại ngàn và sắc vàng đầy ám ảnh của một loài hoa.
Đến Tây Nguyên nhiều, nhưng thật lạ, cảm giác háo hức vẫn y như ngày đầu vậy. Còn nhớ cách đây đúng 13 năm, lần đầu tôi gặp được Tây Nguyên, lần đầu được thưởng thức cái nắng, cái gió man dại mà thênh thang, mênh mông. Đó cũng là lần đầu tôi được thoả mắt nhìn say mê sắc vàng của hoa dã quỳ, sự bao la của những nương rẫy cà phê...
Trong rất nhiều nơi từng ghé qua, Tây Nguyên luôn gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Những lần ở Pleiku, tôi luôn cố gắng đi nhiều, ghé thăm "Đôi mắt Pleiku", chạy xe khắp các ngõ ngách, ghé cả bảo tàng, uống cà phê vỉa hè, tán dóc cùng mấy anh chị bán hoa lan, cây cảnh, vào cả bản Pleiku Ngó để học cách làm rượu cần, rồi đi sâu vào các rẫy cà phê, bị dụ theo miết với màu vàng của dã quỳ dại,..
Đến với Pleiku, có những điều bạn không nên bỏ qua. Chốn bạn không thể không đến, đó là biển Hồ, thứ bạn không thể không thử, đó là cà phê. Nhưng thứ có thể sẽ làm bạn mê nhất là hoa dã quỳ và trăng sơn cước.
Biển Hồ - bao năm qua, đôi mắt Pleiku ấy vẫn cung cấp nguồn nước cho cả thành phố Pleiku, vẫn êm đềm soi bóng trời xanh và đại ngàn hùng vĩ. Thông vẫn reo, gió vẫn hát, vẫn có hàng chục, hàng trăm cặp tình nhân tìm về đây vào những ngày cuối tuần hay trong kỳ nghỉ để điểm tô thêm vào trong những kỷ niệm của mình những khoảng xanh đáng nhớ.
Đặc sản phố núi là cà phê. Đây cũng là cây trồng chính mang lại nguồn thu về mặt kinh tế cho cả tỉnh Gia Lai.
Dân Gia Lai ghiền cà phê, một ngày phải vài cữ. Nhà nào chẳng có cà phê, nhưng đã uống phải ra quán, đâu cũng được, vỉa hè hay trong các quầy hàng máy lạnh, điều đó không quan trọng, cũng chẳng phải để phân chia đẳng cấp.
Ở đây, họ uống vì ghiền, vì yêu, vì tri ân với loại cây, loại đồ uống đã làm nên sự thịnh vượng của phố núi. Cà phê ở đây ngon và “thật”. Ly cà phê được pha đặc, đặc quánh lại. Bột cà phê gần đầy hết cả phin, khi uống có nhiều hương thơm, chứ không giống như nhiều ly cà phê vô hương ở đâu đó, có cả “hương” của ngô cháy (nhiều hàng cà phê độn ngô rang vào để pha bán cho khách).
Tây Nguyên còn đẹp bởi các loài hoa, hoa dại và hoa dã quỳ. Hoa dại mọc khắp các đường đi lối lại, và mọc đúng theo cái cách người ta gọi tên cho những loài hoa này: mọc dại. Nhưng đẹp nhất vẫn là hoa dã quỳ, thứ hoa có màu vàng mê mải, vàng da diết.
Hoa dại mọc thành bụi, chẳng biết đã có ai mang hoa về trồng trong vườn nhà chưa, nhưng nếu có, tôi dám chắc sẽ không đẹp bằng việc dã quỳ nhẩn nha đâu đó bên những con đường nhỏ, lối mòn, hay tận sâu trong khe núi, bên những dòng suối.
Hoa dã quỳ đẹp, hẳn rồi, cái đẹp gắn với Tây Nguyên, gắn với những gì thuộc về Tây Nguyên như đất đỏ bazan, cái nắng, cái gió và cả bầu trời cao, xanh ngắt, cả với phong cách sống phóng khoáng, hồn hậu như con thác đại ngàn của người dân xứ này. Chắc chắn một điều vì thế dã quỳ không thích hợp với chốn phồn hoa, đô thị.
Nhiều người công nhận dã quỳ đẹp hơn trong nắng, trong gió của Tây Nguyên, nắng làm tô thêm sắc vàng, gió làm dã quỳ đong đưa, chẳng phải để làm duyên như những loài hoa khác đâu, mà là hoa đang hát ru, ngân vang những bản tình ca đó.
Chuyện xưa kể rằng, hoa dã quỳ là hoá thân của nàng H’limh, vì cứu người yêu là chàng K’lang mà bị trúng mũi tên oan nghiệt của La Rihn, đó cũng chính là nguyên nhân, để dã quỳ còn mang một biểu tượng khác, biểu tượng cho tình yêu bất diệt.
Không ai biết tự bao giờ, sắc vàng miên man đầy ám ảnh của Dã Quỳ đã trở thành cảm hứng với các nhà văn, nhà thơ. Chẳng thế mà có người từng viết: “Ngơ ngẩn màu hoa Dã Quỳ vàng/ Nắng chiều vàng rợp cả không gian/ Em qua áo cũng vàng xao xuyến/ Tôi đứng chôn chân đến võ vàng,...” hay: “Chân tường ai hoa tím/ Góc vườn ai hoa vàng/ Em là hoa của phố/ Ta theo ngày lang thang....”.
Một ấn tượng sâu sắc nữa mà bạn nên trải nghiệm cùng Tây Nguyên, đó là thức cùng trăng. Nếu có dịp di chuyển từ Pleiku về Sài Gòn, bạn hãy thử một lần không chọn máy bay mà đi ô tô, tôi dám chắc cảm giác sẽ thú vị lắm. Đi để thấy Tây Nguyên rộng lớn, đi để nghe, để cảm, để chạm vào cơn gió đại ngàn, để gió lùa vào tóc. Đi để ngắm, để mê trăng cao nguyên.
Trăng cao nguyên không sáng vằng vặc, không tưới ánh vàng như dát lên cỏ cây, nhưng bù lại, trăng cao nguyên gần lắm. Trăng ở đây vốn dạn người, chỉ cao trên rừng cao su độ nửa cây sào. Trăng mờ mờ, nhàn nhạt, như hoà vào với đất, với rừng, với những phum, sóc Tây Nguyên.
Trên đường từ phố núi về tới Sài Gòn, không biết bao lần, tôi lén thò đầu ra cửa kính để ngắm trăng, hít gió. Trời Tây Nguyên cao, trăng thì lại thấp, đêm tôi đi, người bạn đường là trăng. Và còn nữa, có thêm một vì sao lẻ. Không biết tại sao, nhưng chính những điểm sáng hiếm hoi này lại như một khoảng lặng cần thiết, để vừa lắc lư, đong đưa mình theo nhịp, theo cái vòng quay của bánh xe, vừa nhẩn nha ngẫm nghĩ, rồi bồi hồi nhớ đến Tây Nguyên.
Nhiều người nói trăng ở đâu chẳng giống nhau, về mặt nào đó, điều này không sai, thậm chí nếu dùng lỹ lẽ, suy luận lô gic thì “không còn gì phải bàn”. Nhưng để thử phản biện, dù chỉ trong ý nghĩ, bạn nên thử một lần thức của trăng cao nguyên giống tôi xem, tôi tin bạn sẽ đồng tình.
>> Xem thêm: Nét đẹp mộc mạc của hoa dại
Chia sẻ hình ảnh hoa đẹp do bạn chụp tại đây.