Trên Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism ngày 25/6, nhóm nghiên cứu do ông Yingjun Li từ Trường Y tế Công cộng Hàng Châu (Trung Quốc) dẫn đầu cho biết đã phân tích dữ liệu của 1.848 phụ nữ từ năm 2005 đến 2010 và phát hiện người có nồng độ triclosan cao dễ bị loãng xương. Bệnh loãng xương khiến con người giảm mật độ xương, từ đó tăng nguy cơ gãy xương, đau lưng hoặc giảm chiều cao.
Triclosan là thành phần được sử dụng trong một số loại nước khử trùng tay, kem đánh răng, mỹ phẩm cũng như đồ dùng nhà bếp, đồ chơi, nội thất, quần áo. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), triclosan có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn.
Năm 2016, FDA bắt đầu ra lệnh hạn chế sử dụng triclosan vì nghi ngờ độ an toàn và hiệu quả của chất này. Tháng 4/2019, FDA chính thức cấm dùng triclosan cho các sản phẩm khử trùng tay không kê đơn ở Mỹ. Tuy nhiên, chất này vẫn hiện diện trong một số mặt hàng.
Ông Yingjun Li cho rằng triclosan có thể tác động tiêu cực lên sức khỏe xương, một phần vì nó can thiệp vào chức năng của tuyến giáp. Năm 2014, các nhà khoa học Ba Lan kết luận tuyến giáp mất cân bằng làm giảm mật độ xương, tăng rủi ro gãy xương.
Trước nghiên cứu của ông Li, một số công trình cho thấy thường xuyên tiếp xúc với triclosan trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư da ở động vật, ảnh hưởng quá trình sinh sản và sự phát triển của trẻ nhỏ, thậm chí góp phần lây lan tình trạng kháng kháng sinh.
Minh Nguyên (Theo CNN)