Tại tọa đàm Chất cấm trong chăn nuôi – Thực trạng, giải pháp ngày 23/3, đại tá Trần Trọng Bình – Phó cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (C49) cho biết, chất cấm được người chăn nuôi heo sử dụng nhiều nhất là Salbutamol. Đây là loại chất được dùng nhiều trong lĩnh vực y tế. Trong năm 2014 và 2015, ngành này nhập khẩu hơn 9 tấn Salbutamol qua đường chính ngạch. PC49 phối hợp với Cục quản lý dược, thanh tra Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã làm rõ hơn 6 tấn không được sử dụng sản xuất dược.
"Nhưng hơn 6 tấn này có bao nhiêu được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi thì không có thông tin chính xác", đại tá Bình nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Tống Xuân Chinh – Phó cục Chăn nuôi - cho rằng, số liệu trên được nhập bằng đường công khai. Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới dài giáp với Trung Quốc, Campuchia, Lào hoặc đường biển nên không thể kiểm soát được chất cấm nhập lậu.
"Phải khống chế ngay trong ngành y tế để những chất như Salbutamol không lọt ra ngoài. Ở đường biên, lực lượng biên phòng nên tăng cường tuần tra, phát hiện những vụ chất cấm nhập lậu", ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, mỗi năm, trên thế giới lại có thêm khoảng 400 chất kháng sinh, chất mới. Con số này theo ông không hề ít và phần nhiều trong đó không phù hợp cho ngành chăn nuôi trong nước, cần cập nhật để kịp thời phát hiện, xử lý.
Còn ông Nguyễn Văn Việt – Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp - cho biết, hành vi sử dụng chất cấm phần lớn ở các trang trại và hộ chăn nuôi cá thể. Lý do của việc sử dụng chất cấm do người chăn nuôi nhận thức thấp, không hiểu hết tác hại, muốn tăng lợi nhuận. Chất cấm đến tay người chăn nuôi qua thương lái, nhân viên tiếp thị cám hoặc mua nhỏ lẻ từ các đại lý thuốc.
"Việt Nam đã gia nhập TPP, giờ mà thịt nước ngoài vào sẽ chiếm lĩnh thị trường ngay bởi đặt lên bàn cân, người tiêu dùng sẽ chọn thịt ngoại vì nghi ngờ thịt trong nước. Khi đó, ngành chăn nuôi của mình sẽ chết", một người chăn nuôi tỏ ra lo lắng và mong cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng xử dụng chất cấm.
Theo thống kê của C49, năm ngoái đơn vị đã triệt phá được 3.365 vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử phạt hành chính hơn 2.400 vụ, thu nộp ngân sách gần 17 tỷ đồng. Nhiều đường dây buôn bán chất cấm lớn từ Bắc vào Nam cũng bị phát hiện.
Trước đó, ngày 27/11/2015, Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi. Trong Điều 317 chỉ rõ, người nào có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự. Nhẹ là 1-5 năm tù, có tình tiết tăng nặng bị 15-20 năm, hoặc phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hoạt động lĩnh vực liên quan 1-5 năm. Bộ luật này có hiệu lực từ 1/7.
“Đe dọa, tống tiền người ta đã cấu thành tội phạm trong khi đưa chất cấm vào sử dụng, âm thầm giết bao nhiêu người lại không cấu thành tội phạm là bất hợp lý. Quốc hội thông qua điều khoản mới xem sử dụng chất cấm như hành vi đầu độc, giết người rất kịp thời”, đại tá Trần Trọng Bình nói.
Bộ Nông nghiệp cũng vừa ban hành Thông tư 01/2016 điều chỉnh thông tư 57/2012. Điểm mới là từ 25/2, lực lượng chức năng nếu phát hiện gia súc, gia cầm sử dụng chất cấm sẽ được phép tiêu hủy ngay tại chỗ. Trước đó, nếu kiểm tra phát hiện heo nhiễm chất cấm, các đơn vị chỉ được theo dõi, xử phạt hành chính. Khi heo hết tồn dư chất cấm lại được giết mổ.
Theo các đơn vị, những quy định này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Vấn đề vốn gây hại cho người tiêu dùng, làm bất an xã hội thời gian qua.
Duy Trần