Không biết từ bao giờ, trầu cau trở thành nét văn hóa độc đáo của người Việt. Từ một tập tục, trầu cau đi vào nhiều câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ, trở thành biểu tượng của mối duyên đôi lứa: "Đôi ta như trầu với cau/ Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng", hay "Hai tay xách nước tưới trầu/ Trầu bao nhiêu lá dạ sầu bấy nhiêu".
"Giàn giầu", "giàn cau liên phòng", "cô gái thôn Đông", "chàng trai thôn Đoài" cũng xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính, trở thành niềm cảm hứng đặc biệt để cố nhạc sĩ Nguyễn Tiến sáng tác bài Hoa cau vườn trầu. Quê gốc Nam Định - nơi có vùng trồng cau nổi tiếng, ông nảy ra ý định sáng tác ca khúc mượn hai hình ảnh này, dựa trên tứ thơ bài Tương tư. Nhạc sĩ viết:
"Nhà anh có một vườn cau
Nhà em có một vườn trầu
Chiều chiều nhìn sang bên ấy
Hoa cau bên này, rụng trắng sân nhà em"
So với bài thơ của Nguyễn Bính, hai nhân vật trữ tình trong ca khúc của Nguyễn Tiến được đặt trong không gian gần gũi hơn, đến nỗi hoa cau từ nhà chàng trai "rụng trắng" sân nhà cô gái.
Trước khi ra mắt công chúng, nhạc sĩ sửa đi sửa lại ca khúc nhiều lần nhưng chưa ưng ý, cất bản nháp trong ngăn tủ nhiều năm. Năm 1990, ông đến Thái Nguyên công tác, tình cờ ghé nhà một bà lão, nghe được câu chuyện của cô con gái trong nhà. Cô không lấy chồng vì trót yêu thầm anh bộ đội, cách nhà một rặng cau, chờ đợi nhiều năm nhưng không thể đến với nhau. Mẹ giục lập gia đình, cô gái không nghe, vẫn ôm mối tình vô vọng, cũng không dám thổ lộ trước vì ngại ngùng. Nhạc sĩ thương tấm lòng, số phận cô gái, viết câu hát: "Anh thương em rồi sao anh chẳng nói. Để hoa cau rụng trắng đêm trăng buồn".
14 câu hát kể trọn vẹn mối tình thầm lặng nhưng mãnh liệt chốn làng quê. Trong Sự tích trầu cau, cau đại diện cho người chồng, còn trầu là hóa thân của người vợ chung thủy, quấn quýt không rời. Nhạc sĩ cũng sử dụng phép ẩn dụ, ví von cô gái với trầu không.
"Anh lên đường mẹ xin nắm trầu nhuộm áo cho anh
Một lá trầu xanh thắm tình em... chẳng phai màu
Hoa cau, rụng trắng sân nhà em
Mà hương cau... ngan ngát quanh vườn trầu"
Từ lá trầu xanh thắm tình, cuối bài hát, nhạc sĩ gieo vào lòng người nghe nỗi vương vấn qua câu hát: "Lá vẫn xanh tươi màu. Xin ai đừng để lá trầu vàng". Xuất thân là nghệ sĩ đàn bầu, lại yêu tha thiết âm nhạc, văn hóa truyền thống, nhạc sĩ Nguyễn Tiến viết nên ca khúc đậm màu sắc dân ca Bắc bộ.
Ông kể năm 1990, khi phong trào nhạc nhẹ đang thịnh hành, Hoa cau vườn trầu như một làn gió mới trên thị trường âm nhạc. Theo ông, những người từng trải qua ly biệt thời chiến sẽ đồng cảm sâu sắc nội dung tác phẩm.
Qua giọng ca dịu dàng, giàu màu sắc tự sự của nghệ sĩ Thu Hiền, ca khúc được khán giả hai miền đón nhận. Hoa cau vườn trầu là một trong những bài hát giúp Nguyễn Tiến giành Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.
Nhạc sĩ qua đời ở tuổi 68 tối 27/11. Ông sinh năm 1953 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Nam Định. Cha ông là nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Tiếu. Ông hai lần được biểu diễn đàn bầu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 10 tuổi và 13 tuổi. Ông tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quân đội và công tác tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Trước khi về hưu, ông đảm nhận vị trí Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.
Trong suốt sự nghiệp, ông 18 lần đoạt Huy chương vàng trong nước và quốc tế cho các tiết mục trình diễn đàn bầu. Năm 2012, ông được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân với vai trò nghệ sĩ đàn bầu, đạo diễn, chỉ huy âm nhạc.
Ông là tác giả nhiều ca khúc như: Hoa cau vườn trầu, Phú nước non, Chiều mưa Hà Nội, Chiều xứ Lạng, Nhớ đêm giã bạn, Hồn Việt, Chuyện tình lá diêu bông, Hoa cỏ may, Nam Định mình ơi, Dời đô...
Hà Thu