Nội dung được nêu trong tờ trình TP Đà Lạt vừa gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xử lý tình trạng tảo lam xuất hiện trên hồ Xuân Hương, làm ảnh hưởng cảnh quan, môi trường và hình ảnh du lịch của thành phố thời gian qua.
Theo chính quyền Đà Lạt, Công ty Ebis Marine đề nghị hợp tác và cho biết họ đang viết hồ sơ dự án xử lý tảo lam nộp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường Nhật Bản. Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp này sẽ chọn hồ Xuân Hương làm mô hình thí điểm.
Công ty Ebis Marine cho biết sẽ không sử dụng hóa chất, mà vận chuyển máy móc, thiết bị từ Nhật sang lắp đặt để xử lý tảo lam. Trước khi triển khai, đơn vị này đề xuất có buổi làm việc với UBND TP Đà Lạt và tiến hành khảo sát tảo lam trong tháng 12/2024.
Hồ Xuân Hương rộng 25 ha, có nước quanh năm, được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia. Nhìn từ trên cao, hình dáng hồ như mặt trăng lưỡi liềm kéo dài hơn hai km; bao quanh là những quần thể thông xanh, đồi Cù, vườn hoa thành phố... Địa điểm này được xem là điểm nhấn thu hút du khách khi đến Đà Lạt.
Hồ từng nhiều lần xuất hiện tảo lam (Cyanobacteria) - thực chất là vi khuẩn, dày đặc, bốc mùi khó chịu. Tảo còn làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước, suy giảm hệ sinh thái thủy sinh. Ngoài ra, tảo xanh lá cây có thể sinh ra độc tố gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, suy gan, dị ứng cho người tiếp xúc.
Trường Hà