10 ngày nay, vợ chồng anh Lương Văn Thắm, 37 tuổi, ở bản Na Noong, xã Châu Hồng, đưa bố mẹ già cùng hai con nhỏ tới nhà người thân tá túc do lo ngại hố "tử thần" ở sân có thể lan rộng và cuốn sập tường nhà bất cứ lúc nào.
Sáng 15/10, sau tiếng động mạnh, mảng bê tông bề mặt sân nhà anh Thắm tụt xuống hố sâu, bậc tam cấp bị kéo nghiêng, quanh hố nhiều vết nứt. Lòng hố rộng 36 m2, sâu 2,5 m.
Gia đình anh Thắm dùng rào bao quanh hố sụt để tạm thời ngăn người qua lại và dự kiến mua đất lấp trong những ngày tới. "Vợ chồng ở lại để trông coi nhà và vật dụng, nhưng ban đêm phải thay nhau ngủ, nếu chẳng may hố sụt tiếp còn chạy kịp", anh Thắm kể.
Gia đình ba thế hệ đã sống tại mảnh đất này 50 năm, song đây là lần đầu gia đình anh Thắm chứng kiến tình trạng sụt lún nghiêm trọng như vậy.
Trước đó, khi khuôn viên vườn xuất hiện một hố sụt rộng vài mét, anh đã san lấp để trồng rau. "Mong cơ quan chức năng sớm có kết luận về hiện tượng này để chúng tôi biết còn có thể sinh sống ở đây hay không", anh Thắm nói.
Vài tháng trước, cạnh bờ rào một công ty đóng trên địa bàn bản Na Hiêng, xã Châu Hồng, cũng xuất hiện một điểm sụt lún rộng khoảng 4 m, sâu một mét.
UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, lần đầu tiên tình trạng sụt đất ở Châu Hồng và Liên Hợp diễn ra từ đầu năm. Hiện, tổng cộng 11 điểm sụt xuất hiện, nằm rải rác ở ruộng lúa và gần nhà dân. Trong đó, nhiều hố rộng 2-7 m, sâu 2-2,5 m. 140 giếng nước ở xã Châu Hồng cũng bị cạn nước bất thường; nhiều tường nhà dân bị nứt không rõ nguyên nhân.
Ông Quán Vi Giang, Phó chủ tịch huyện Quỳ Hợp cho biết, nhiều đoàn công tác sở đã tới khảo sát, song tới nay chưa có kết luận. Trước mắt, chính quyền khuyến cáo người dân theo dõi điểm sụt, làm rào và đặt biển cảnh báo; xây dựng bể chứa để dẫn nước về các hộ bị giếng cạn.
"Chúng tôi cũng rất nóng lòng muốn biết nguyên nhân để người dân ổn định cuộc sống", ông Giang nói và cho biết huyện tiếp tục có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình trạng nói trên để xin ý kiến chỉ đạo.