Công trình có tổng mức đầu tư 183 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, nằm tại xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy đã hoàn thành sau 4 năm xây dựng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang (chủ đầu tư), công trình gồm các hạng mục: đường dẫn, kè bảo vệ, hệ thống cống, hệ thống bơm nước, nhà điều hành - quản lý. Trong đó, diện tích mặt hồ 21 ha, sâu 5m; chiều cao đập hồ là 7,5m, tổng chiều dài đập hồ gần 2 km, tổng dung tích chứa nước gần một triệu m3.
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết công trình sẽ dự trữ nước cho sản xuất và sinh hoạt, giúp tỉnh chủ động ứng phó, thích ứng với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
"Trường hợp khi bị xâm nhập mặn công trình vẫn đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân, sản xuất. Còn trạng thái bình thường hồ sẽ điều tiết nước sản xuất và định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với khu du lịch Việt Úc", ông Tuyên nói.
Theo đó, hồ sẽ trữ nguồn nước ngọt tự nhiên thông qua hệ thống cống, điều tiết lấy nước vào mùa mưa hoặc tháo nước ra trong mùa khô. Hồ sẽ cung cấp nước ngọt cho các nhà máy nước sạch phục vụ nhu cầu 260.000 dân ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A và TP Vị Thanh (hơn 30% dân số của tỉnh). Đồng thời, hồ được trang bị 2 máy bơm, với công suất 5.000 m3 mỗi giờ để cung cấp nước sản xuất cho hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp. Hiện hồ bắt đầu trữ nước.
UBND tỉnh Hậu Giang đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trực tiếp là Trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp xây dựng phương án quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng sau đầu tư để công trình đưa vào hoạt động trong năm 2025.
"Chúng tôi thuê tư vấn xây dựng phương án tối ưu, hiệu quả nhất hồ này để hồ vận hành sớm nhất, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân", ông Đoàn Ngọc Thân - Giám đốc Trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang nói.
Tỉnh Hậu Giang rộng hơn 1.600 km2, dân số hơn 733.000 người (khoảng 200.000 hộ), xếp thứ 54 cả nước. Tỉnh thành lập năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ, có diện tích đất nông nghiệp trên 133.000 ha, là một trong những địa phương bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nặng ở miền Tây.
An Bình