![]() |
Tiêu huỷ gia cầm trong vùng dịch. Ảnh: TT |
Tại các vùng dịch và phụ cận, việc tiêu huỷ phải kết thúc chậm nhất trong vòng 7 ngày sau khi công bố dịch. Người tham gia tiêu huỷ phải trang bị bảo hộ lao động. Sau khi tiêu huỷ gia cầm phải làm vệ sinh tiêu độc, sát trùng triệt để nơi có dịch.
Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm tổ chức công tác giám sát theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Việc kiểm tra phải thực hiện hằng ngày và báo cáo trưởng ban chỉ đạo quốc gia. "Khi có dịch bệnh nhưng báo cáo chậm sau 1 ngày hoặc không công bố, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm", ông Ngọ nói.
Theo một quan chức của Cục Thú y, quyết định này có thể giải quyết nhanh tình trạng thiếu người thực hiện tiêu huỷ gia cầm, như tại một số tỉnh Nam Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, do nhiều người lo ngại bị lây nhiễm virus cúm gà. Việc trả công tiêu huỷ khiến người thực hiện có kinh phí để tự trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay...
Chiều 2/2, Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng đã có công điện khẩn gửi các Cục Đường bộ, Đường sắt, Hàng không dân dụng, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành. Bộ trưởng yêu cầu các các đơn vị, địa phương nghiêm cấm các phương tiện vận tải thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vận chuyển gia cầm từ tỉnh này sang tỉnh khác và trong vùng dịch.
Ngoài ra, các Sở Thương mại và Chi cục Quản lý thị trường trong toàn quốc vừa nhận được chỉ thị của Bộ trưởng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với y tế, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm... kiểm soát và ngăn chặn việc lưu thông gia cầm trong vùng cấm. Các chốt kiểm dịch từ hôm qua cũng bắt đầu được tăng cường bởi lực lượng công an và quân đội. "Nhờ có sự hợp tác của các lực lượng này, chúng tôi sẽ có nhân lực để lập thêm nhiều chốt kiểm soát gia cầm trên toàn quốc, nhằm thực hiện triệt để hơn lệnh cấm vận chuyển gia cầm giữa các tỉnh", ông Nguyễn Văn Thông, Cục phó Cục Thú y nhận định.
Theo báo cáo của Cục Thú y, đến nay đã 48 tỉnh có dịch cúm gà với 6,8 triệu gia cầm mắc bệnh. Số gia cầm bị tiêu huỷ tăng thêm hơn 460.000 con. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh, số gia cầm bị tiêu huỷ mới chiếm 5% tổng số gia cầm trong nước. Đến nay, có 8% tổng số xã có dịch. Dự kiến trong những ngày tới, dịch cúm gà sẽ còn tiếp tục lan rộng.
Chiều 3/2, Cục Thú y sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại miền Trung để bàn chống dịch cúm lan rộng tại các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hoà.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa viện trợ khẩn cấp 1.500 viên thuốc Tamiflu cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) để điều trị dự phòng cho bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1. Sở Y tế TP HCM cũng đang nhập thêm 2.000 viên Tamiflu để đảm bảo cung ứng đủ thuốc trong khi chờ nhận hỗ trợ của Bộ Y tế. Sở cũng vừa đưa vào thử nghiệm một chất diệt khuẩn và khử mùi tại Bình Chánh, kết quả bước đầu đạt hiệu quả cao. Cùng lúc, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên trong cuộc chiến chống lại dịch cúm gà. Việc trợ giúp sẽ được thực hiện theo 3 hướng, gồm cung cấp chuyên môn kỹ thuật quốc tế, thiết bị phòng dịch (như là quần áo bảo hộ), và công tác giám sát và quản lý y tế cộng đồng. |
Việt Anh - Thiên Đức