Hiện cả nước còn 61 huyện thuộc 20 tỉnh có số hộ nghèo chiếm trên 50%. Thu nhập bình quân của nhóm hộ nghèo ở các huyện này khoảng 140.000 đồng một tháng, bằng 60% chuẩn nghèo hiện hành ở khu vực nông thôn. Người dân các huyện này trên 90% là dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá của Bộ Lao động, với 2,4 triệu dân, trong đó số người ở độ tuổi lao động khoảng 1,3 triệu, số người tốt nghiệp THCS trở lên khoảng 500.000, 61 huyện nghèo rất có lợi thế trong việc xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, hai năm qua, nơi đây mới có khoảng 5.000 người, chiếm chưa tới 3% tổng số người đi làm việc ở nước ngoài của cả nước.
Lao động học ngoại ngữ trước khi đi xuất khẩu. Ảnh: Hồng Khánh. |
Để giúp các huyện thoát nghèo, Bộ Lao động đã xây dựng đề án hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Cụ thể, lao động nghèo tại các huyện này sẽ được hỗ trợ kinh phí (gồm học phí, tài liệu, chi phí sinh hoạt) để học bổ túc văn hóa; hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và làm thủ tục đi xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất có cơ chế cho vay ưu đãi toàn bộ chi phí đi làm việc ở nước ngoài đối với lao động nghèo. Các cơ sở đào tạo người đi xuất khẩu theo chương trình của đề án được vay ưu đãi để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới phòng học, ký túc xá, trang bị máy móc thiết bị phục vụ nhu cầu đào tạo lao động. Mức vay tối đa không quá 70% tổng dự toán của dự án đầu tư, với thời hạn không quá 6 năm.
Theo Bộ Lao động, năm 2008 Việt Nam đưa được 85.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Lao động đã gửi về nước khoảng 1,6-2 tỷ USD. Tại một số địa phương, số tiền lao động gửi về cho gia đình gần bằng, hoặc cao hơn thu ngân sách, như Nghệ An 690 tỷ đồng, Thanh Hóa 650 tỷ đồng, Phú Thọ 600 tỷ đồng.
Hồng Khánh