Tiến sĩ Lê Văn Thảo và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên 60 bệnh nhân mắc nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư vú, phế quản, đại trực tràng, buồng trứng, dạ dày, vòm họng... Các bệnh nhân này, gồm 37 nữ và 23 nam, có tuổi 35-76, được điều trị bằng hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp cả hai liệu pháp.
Nguồn phóng xạ được sử dụng trong xạ trị là gamma cobalt 60, với liều hàng ngày là 2Gy, trong 25-30 ngày. Còn với hóa trị, nhóm nghiên cứu đã sử dụng đa hóa chất theo các phác đồ CMF, CAF, TA... tùy từng loại ung thư, với tổng liều là 6 đợt.
Trong thời gian điều trị, mỗi bệnh nhân được uống Chitosan thực phẩm - thuốc bổ dưỡng 300 mg (do Xí nghiệp Dược phẩm trung ương I sản xuất) trong 25 ngày liên tục với liều dùng 4 viên/ngày, trước bữa ăn. Các bác sĩ đã đánh giá tình trạng sức khỏe người bệnh theo chỉ tiêu trọng lượng, số lượng hồng cầu, bạch cầu, cholesterol... trước và sau điều trị.
Kết quả, tất cả 60 bệnh nhân đều có thể trạng chung tốt, ăn được, ngủ ngon, trọng lượng cơ thể không thay đổi trước và sau điều trị. Đặc biệt, giá trị trung bình của bạch cầu có giảm, nhưng trong giới hạn cho phép, còn hồng cầu và tiểu cầu không có sự thay đổi.
Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận sự giảm cholesterol trong máu những bệnh nhân nói trên. Tuy nhiên, sự khác biệt này chưa rõ ràng. "Cần có những nghiên cứu với quy mô lớn hơn để đánh giá một cách chính xác hơn về sự thay đổi này", tiến sĩ Thảo nhận xét.
Hóa trị và xạ trị là hai trong số các phương pháp quan trọng nhất trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, nhược điểm của các liệu pháp này là làm giảm lượng hồng cầu, bạch cầu trong cơ thể, dẫn tới sự suy sụp thể trạng của bệnh nhân. "Chế phẩm Chitosan có thể giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ này, do đó chúng tôi kiến nghị sử dụng nó để hỗ trợ điều trị bệnh ung thư bằng hóa trị và xạ trị", ông Thảo nói.
Chitosan là một loại polyme sinh học, được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm vì có những tác động tốt trên bệnh nhân ung thư. Hai nước nghiên cứu nhiều về Chitosan hiện nay là Trung Quốc và Nhật Bản. Ở Việt Nam, Chitosan được sản xuất từ vỏ tôm đã được sử dụng thay hàn the trong sản xuất bánh cuốn, bánh su sê... Mới đây nhất, các nhà khoa học thuộc Đại học Nông Lâm TP HCM đã thành công trong việc tạo màng Chitosan làm vỏ bảo quản thực phẩm tươi sống giàu đạm, dễ hư hỏng như cá, thịt... mà không làm mất màu, mùi vị của sản phẩm.
Thiên Đức