Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, một số bệnh viện ung thư tuyến cuối bị phong tỏa dẫn đến nhiều bệnh nhân phải trì hoãn khám và điều trị. Song không ít bệnh nhân ung thư vẫn có thể tiếp tục điều trị thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth.
Mới đây nhất, một trong hai cơ sở điều trị ung thư lớn nhất cả nước bị phong tỏa. Trong bối cảnh dịch bùng phát với diễn biến phức tạp, một số bệnh nhân nội trú bị cách ly vì liên quan ca nhiễm thì một lượng lớn bệnh nhân ngoại trú cũng bị gián đoạn điều trị.
Nhiều biện pháp được đưa ra nhằm giúp bệnh nhân ung thư được tiếp tục điều trị bệnh theo đúng phác đồ. Để hạn chế thấp nhất khả năng lây nhiễm bệnh, tại các bệnh viện, bác sĩ điều trị trực tiếp sẽ liên hệ hướng dẫn người bệnh và phối hợp cùng các cơ sở chuyên khoa ung bướu gần người bệnh nhất để tiếp tục theo dõi, thực hiện phác đồ điều trị cho người bệnh trong thời gian này.
Telehealth là một trong những biện pháp được Bộ Y tế cho phép áp dụng, giúp y tế tuyến cơ sở điều trị, tránh di chuyển khó khăn. Bộ Y tế khuyến cáo hạn chế người đến khám đến bệnh viện tuyến Trung ương mà chủ yếu nên khám và điều trị ở tuyến cơ sở.
Hiện nay, hệ thống hội chẩn và khám bệnh từ xa Telehealth đã được triển khai tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước như Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai... Tới nay, hệ thống telehealth đã kết nối hơn 600 bệnh viện, cơ sở y tế ở các tỉnh thành trên cả nước.
Ở Singapore, sáng kiến lấy bệnh nhân làm trung tâm đã được Trung tâm Ung thư Quốc gia (NCCS) triển khai để điều hướng trong tình hình bình thường mới là "Chăm sóc tại nhà" và "Y học từ xa". Chương trình "Chăm sóc tại nhà" được thử nghiệm ở bệnh nhân ung thư vú với thuốc dạng tiêm dưới da. Chương trình được đón nhận với hơn 100 bệnh nhân đăng ký tham gia.
NCCS hợp tác với một nhóm y tá được đào tạo từ Jaga Me (một công ty y tế di động). Thuốc có thể được y tá lấy từ NCCS vào ngày tiêm thuốc cho bệnh nhân hoặc được chuyển đến nhà bệnh nhân trước. Trong quá trình thăm khám tại nhà, y tá đánh giá các chỉ số sống còn của bệnh nhân (nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim), sau đó tiến hành tiêm thuốc và theo dõi bệnh nhân ít nhất 15 phút trước khi rời khỏi nhà của họ.
Để Telehealth phát huy hiệu quả, quy trình khám - chẩn đoán - điều trị thường không thể thiếu các loại thuốc điều trị tại chỗ. Hiện nay, các bệnh viện phía Bắc điều trị ung bướu có quy mô lớn như Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K... đều đang triển khai telehealth. Quy trình này có thể giúp ích cho các bệnh nhân ung thư vú nhờ có thêm một trong những sự hỗ trợ của thuốc nhắm đích dạng tiêm dưới da.
Các thuốc điều trị bệnh ung thư vú thường được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch. Với cách truyền thuốc qua ven ngoại vi thông thường có thể gặp bất lợi như ảnh hưởng đến ven ngoại vi, nguy cơ rò rỉ thuốc do chệch ven, hạn chế vận động vùng chi nơi đặt ven truyền hóa chất, làm giảm chất lượng cuộc sống trong những ngày truyền hóa chất.
Tiêm dưới da là kỹ thuật dùng bơm kim tiêm để đưa một lượng dung dịch thuốc vào mô liên kết dưới da vùng đùi của bệnh nhân. Sử dụng loại thuốc nhắm đích dạng tiêm dưới da có thể hạn chế xâm lấn, không cần pha chế thuốc và tính liều vì dạng bào chế là dung dịch dùng để tiêm ngay với một liều cố định. Thời gian tiêm dưới da có thể trong khoảng 2-5 phút, rút ngắn thời gian bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.
Sử dụng thuốc tiêm dưới da kết hợp ứng dụng telehealth là một trong những giải pháp giúp bệnh nhân ung thư vú điều trị trong bối cảnh dịch bệnh. Tiêm dưới da giúp bệnh nhân hạn chế di chuyển mà vẫn có thể được điều trị theo liệu ung thư vú, giảm thời gian nằm bệnh viện và khả năng tiếp xúc với các bệnh nhân khác, phòng ngừa lây lan dịch bệnh.
Ngọc An