Đêm 10/6, cư dân ở thị trấn cảng Robe, bang South Australia, bất ngờ bị đánh thức bởi tiếng động lớn. Họ ra ngoài kiểm tra và phát hiện một hố sụt khổng lồ có kích thước bằng một nửa sân tennis hình thành trên bờ biển đá vôi đẹp như tranh vẽ, nơi chứa các hang động giàu hóa thạch bậc nhất ở Australia.
Chính quyền địa phương cho biết không có cảnh báo nào về hoạt động địa chấn bất thường. Sự hình thành của hố sụt hoàn toàn là do ăn mòn tự nhiên.
Patrick Hesp, một chuyên gia nghiên cứu về bờ biển tại Đại học Flinders ở Adelaide giải thích rằng bờ biển đá vôi phải đối mặt với sự xói mòn đáng kể do sóng biển liên tục vỗ vào phần rìa của nó. Ngoài ra, những trận mưa lớn gần đây và các đợt nước biển dâng cao cũng có thể góp phần vào sự xuất hiện của hố sụt.
Hố này còn nằm gần một mạch nước ngầm tự nhiên được gọi là lỗ phun. Các lỗ phun hình thành khi sóng ăn mòn các hang động, thâm nhập sâu vào vách đá và cuối cùng hướng thẳng đứng lên bề mặt. Thỉnh thoảng, thường là khi triều cường, nước phun lên cao từ trên cùng của các lỗ này.
Một cuộc điều tra về lỗ phun cho thấy địa điểm vẫn chưa ổn định và có khả năng bị sập thêm. Các nhà chức trách đã khuyến cáo người dân không đến gần hố sụt vì nó có thể tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Đoàn Dương (Theo Live Science)