Một con hổ Sumatra bị mắc bẫy. Ảnh: AFP. |
Nguyên nhân chính dẫn tới "thảm họa" trên là do môi trường sống tự nhiên của loài động vật quý hiếm này đang bị thu hẹp, với tốc độ nghiêm trọng, vì tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cũng như nạn săn bắt bất hợp pháp gia tăng.
Ông Rakhmad Hidayat, Giám đốc chi nhánh tổ chức môi trường Warsi tại tỉnh Jambi, cho biết, đàn hổ Sumatra tại Jambi hiện còn khoảng 250-300 con; trong đó có 125 con ở khu bảo tồn quốc gia Kerinci Seblat, nằm ở địa phận ba tỉnh Jambi, nam Sumatra và Bengkulu.
Theo ông Rakhmad Hidayat, ngay cả bên trong khu bảo tồn quốc gia an toàn cho đàn hổ cũng không được đảm bảo, và số vụ đụng độ giữa hổ và người dân địa phương cũng gia tăng cùng với các hoạt động chặt phá rừng bất hợp pháp.
Mới đây nhất, trong quý I năm nay đã xảy ra hai trường hợp hổ tấn công làm một người bị chết, một người bị thương và hai con hổ bị chết vì bẫy điện.
Nhà nghiên cứu Wisnu Whardana, thuộc Viện Nông nghiệp Bogor, cho biết, hổ thường né tránh các khu dân cư và đồn điền, nhưng thực tế cho thấy, chúng ngày càng trở nên quen với môi trường sống của con người, và nếu không có biện pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề liên quan thì loài hổ Sumatra của đất nước “Vạn Đảo” sẽ sớm chỉ còn thấy trong viện bảo tàng.
Theo Vietnam+