Ngày 10/5 tại Hà Nội, các Sở Giáo dục khu vực phía Bắc nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các trường đại học, cao đẳng. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tổng số hồ sơ nhận được là gần 164.000 bộ, ít hơn so với năm trước 2.000 bộ. Trong số này, 84% đăng ký vào các trường đại học, còn lại là cao đẳng.
Tương tự như Hà Nội, các tỉnh khác lượng hồ sơ ĐKDT cũng giảm đáng kể. Sở GD&ĐT Bắc Giang nhận được hơn 31.000 hồ sơ, giảm hơn 5.000 so với năm 2011. Sở Giáo dục Nam Định có hơn 52.000 hồ sơ, giảm hơn 5.000, Sở Yên Bái có hơn 10.700 hồ sơ, giảm 500; Sở Giáo dục Thái Nguyên có 25.600 hồ sơ, giảm 3.000 bộ.
Những tỉnh có số lượng hồ sơ giảm nhiều nhất là Thanh Hóa 11.000 bộ, Hải Dương hơn 10.000 bộ và Nam Định 7.000 bộ. Trong khi đó hai tỉnh miền núi là Hà Giang và Sơn La tăng thêm vài trăm hồ sơ.
Hồ sơ đăng ký dự thi đại học năm nay giảm mạnh so với 2011. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Đại diện các Sở Giáo dục cho biết, nguyên nhân hồ sơ ĐKDT đại học 2012 giảm so với năm trước là do số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 12 giảm, việc định hướng ngành nghề, phân luồng học sinh được các nhà trường thực hiện hiệu quả. Mặt khác, với chủ trương không giới hạn nguyện vọng và kéo dài thời gian xét tuyển của Bộ GD&ĐT giúp thí sinh yên tâm lựa chọn thi một trường rồi lấy kết quả xét vào các trường khác.
Năm nay, khối C và ngành sư phạm có hồ sơ ĐKDT rất thấp. Theo tính toán của Sở Giáo dục Hà Nội, trung bình mỗi học sinh lớp 12 ở đây nộp 2,12 bộ hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký vào khối A là nhiều nhất chiếm hơn 47%, khối B hơn 14%, khối D là 24,5% và khối C thấp nhất với gần 5%.
Tỉnh Bắc Giang cũng có hồ sơ ĐKDT khối A chiếm tỉ lệ cao nhất với hơn 16.400 bộ, sau đó đến khối B hơn 7.200 bộ, thấp nhất là khối A1 698 và C hơn 2.600 hồ sơ. Tỷ lệ đăng ký theo khối cũng tương tự ở tỉnh Thanh Hóa. Hồ sơ ĐKDT khối A ở tỉnh này nhiều nhất với hơn 44.000, ít nhất là khối A1 1.100 hồ sơ và khối C với 8.600 hồ sơ.
Tình trạng "ế ẩm" hồ sơ ĐKDT vào khối C cũng diễn ra ở Bắc Kạn, Phú Thọ, Điện Biên. Ở Nam Định, trong khi gần 30.000 thí sinh chọn thi khối A thì chỉ có khoảng 2.000 em đăng ký khối C.
Một số trường đại học năm nay quyết định dừng tuyển sinh ngành sư phạm do nhu cầu đang bão hòa. Ở Thanh Hóa, ĐH Hồng Đức bỏ ngành sư phạm. Các Sở Giáo dục Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Sơn La cũng cho biết số hồ sơ ĐKDT vào các trường sư phạm tiếp tục giảm so với các năm trước.
Các đại học tầm trung và địa phương thu hút nhiều thí sinh. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Trong khi đó, đại học vùng và tầm trung thu hút được thí sinh. Ở Bắc Giang, thí sinh ĐKDT nhiều nhất vào ĐH Công nghiệp Hà Nội với gần 5.000 hồ sơ (trên tổng số 31.000 hồ sơ). Kế tiếp là ĐH Nông nghiệp Hà Nội với hơn 2.100 bộ, ĐH Y với gần 1.700 hồ sơ.
Tại Hải Dương, gần 4.000 hồ sơ ĐKDT vào ĐH Công nghiệp Hà Nội. Lựa chọn đứng thứ 2 là ĐH Y Hải Dương với hơn 3.000 hồ sơ. Hòa Bình cũng có hồ sơ ĐKDT nhiều nhất vào các trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội và ĐH Lâm nghiệp. Ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, số thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH Công nghiệp, ĐH Nông nghiệp cũng chiếm ưu thế.
ĐH vùng cũng là lựa chọn của phần lớn thí sinh. Tại Quảng Ninh, hồ sơ ĐKDT vào ĐH Công nghiệp Quảng Ninh là nhiều nhất với gần 2.700 bộ. Thái Nguyên có khoảng 17.000/25.600 hồ sơ vào ĐH Thái Nguyên. Thanh Hóa có 8.000 trong số 79.100 hồ sơ vào ĐH Hồng Đức, Lào Cai có thí sinh nộp hồ sơ nhiều nhất vào ĐH Tây Bắc (5.000 hồ sơ)...
Theo phản ánh của một số Sở, năm nay một số ngành học trên website các trường có nhưng máy tính của Bộ thì không, một số ngành khác mã ngành và tên ngành lại không trùng nhau nên các trường không nhập được dữ liệu. Ông Phạm Hữu Bản, cán bộ Sở GD & ĐT Thái Bình cho biết, để khắc phục tình trạng này, Sở phải nhập thông tin theo đúng hồ sơ thí sinh đăng ký. Nếu có sai sót, những thí sinh này phải làm việc với trường thi để sửa chữa, bổ sung.
Ngày 12/5, các Sở Giáo dục phía Nam sẽ nộp hồ sơ ĐKDT cho các đại học, cao đẳng tại TP HCM.
Hoàng Thùy