- Ở vòng ngoài "X-Factor", chị sẵn sàng tranh cãi quyết liệt với các giám khảo để đưa ra chính kiến. Nhưng về sau chị có vẻ hiền hơn, tại sao lại như vậy?
- Có nhiều lý do. Trước hết, ở vòng ngoài, tôi phải cùng các huấn luyện viên khác phân tích kỹ điểm mạnh, yếu của thí sinh để giải thích vì sao mình chọn hay loại. Nếu không nói nhiều thì khán giả và cả người thi khó hiểu rõ quyết định của giám khảo. Còn từ vòng liveshow, quyền loại và chọn thí sinh tùy thuộc hoàn toàn vào khán giả, tôi không cần thiết phải nói nhiều.
Thứ hai, tôi cũng chú ý các ý kiến đóng góp, khen chê về những gì mình thể hiện trên "ghế nóng" để kiểm soát, điều chỉnh phong cách phù hợp hơn.
- Những lời khen chê từ khán giả tác động đến chị ra sao?
- Ở tập đầu, tôi nhận được nhiều lời khen. Sang tập thứ hai, tự dưng lại có quá nhiều lời chê, chỉ trích, "ném đá" về cách thể hiện của tôi. Lúc đó tôi hoang mang lắm. Vì rõ ràng mình đang nói thẳng, bộc lộ cảm xúc thật để đóng góp cho thí sinh tốt hơn, phục vụ cho khán giả và đang rất tâm huyết với công việc mà sao lại bị như thế.
Bốn năm rút khỏi showbiz khiến cho bản năng chống đỡ trước dư luận của tôi không còn nhạy bén như trước. Sự mệt mỏi, áp lực từ lời chê khiến tôi định chấp nhận đền hợp đồng, không làm nữa. Tôi cũng là con người chứ có phải cây cỏ đâu mà thờ ơ khi bị "ném đá".
Tuy vậy, nhờ có sự hỗ trợ rất nhiều từ ban tổ chức, đồng nghiệp và những khán giả ủng hộ mình, tôi nhận ra đã ngồi "ghế nóng" thì chuyện phải chịu đựng áp lực là bình thường. Lúc đó, bản năng chống đỡ sức ép kịp quay trở lại với tôi.
- Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thường có nhiều ý kiến bất đồng với chị, trong khi anh ấy khá nương lời khi nhận xét cùng Hồ Ngọc Hà. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ chắc anh Hưng cho rằng, tôi và anh có tranh luận thì tăng tính hấp dẫn, màu sắc cho chương trình hơn. Vì thế, cả tôi và anh đều không e dè khi đối đáp. Còn với Hồ Ngọc Hà, chắc anh Hưng thấy cô ấy hiền hơn tôi nên nhường ấy mà (cười).
Có khán giả nghĩ rằng, những màn tranh cãi giữa giám khảo là theo kịch bản. Nhưng sự thực, không có bất kỳ kịch bản nào cho chúng tôi trên "ghế nóng" ngoài chuyện chúng tôi phải tung hứng bằng cảm xúc, kiến thức chuyên môn của mình.
- Chị thường rơi nước mắt vì các học trò, điều gì gắn kết tình cảm giữa chị và họ?
- Ở buổi tập liveshow thứ ba vừa rồi, tôi nhìn ba học trò vừa hát vừa run trên sân khấu, tôi khóc. Thấy vậy, sau đó, Loki Bảo Long rụt rè hỏi: "Bộ em hát dở lắm hả chị?" làm tôi phải đính chính. Tôi khóc vì thương các em quá. Thấy các em nhỏ bé, non nớt, hầu như chưa có kinh nghiệm gì. Hình ảnh đó làm tôi nhớ lại ngày xưa, mình cũng khờ khạo. Năm 1999, đi thi Tiếng hát truyền hình ở Hà Nội, tôi run lập cập, đến nỗi dàn nhạc quát: "Run thế làm sao mà hát". Mà ngày đó, tôi đâu có ai bên cạnh động viên.
Ba học trò của tôi: Loki Bảo Long, Thái Ngân và Tích Kỳ, nhìn đứa nào trên sân khấu cũng rạng rỡ như "hot boy". Nhưng thực ra, phía sau mỗi đứa là một mảnh đời với rất nhiều khó khăn về tinh thần, vật chất. Vì vậy mà các em rất nhạy cảm, dễ tủi thân, nhất là Loki Bảo Long, cậu bé này từng mắc bệnh trầm cảm. Âm nhạc là liều thuốc tinh thần quý giá để Bảo Long cởi mở hơn với xung quanh. Ngoài chuyên môn, tôi luôn đặt mình vào tâm thế người chị, khuyên nhủ để giúp các em tìm thấy sự tự tin, bớt rụt rè, mặc cảm.
- Giám đốc âm nhạc Phương Uyên chi phối đến vai trò huấn luyện viên của chị ra sao?
- Tôi chưa bao giờ bị Phương Uyên áp đặt. Một mình huấn luyện viên khó lòng quán xuyến học trò. Nhạc sĩ Phương Uyên là người tài, dày dặn kinh nghiệm. Có người giám đốc âm nhạc như thế hỗ trợ là may mắn cho chúng tôi. Bởi, huấn luyện viên nhiều khi chỉ chăm chút cho từng cá nhân mà khó có cái nhìn về tổng thể màu sắc chương trình. Tôi và Phương Uyên thường xuyên trao đổi thẳng thắn để hỗ trợ nhau.
- Ngoài X-Factor, chị hầu như rất ít khi tham gia chương trình giải trí khác. Vì sao vậy?
- Đến lúc nào đó, cái duyên trong nghề hết thì tôi phải biết rút lui dù ca hát luôn là đam mê. Giờ tôi không muốn đi hát để kiếm tiền hay xuất hiện nhiều như xưa. Tôi cảm thấy mình không thể chạy theo nhịp điệu quá tất bật của showbiz hiện tại. Hơn 10 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy không khí làng giải trí lại ào ào, nhanh gấp như hôm nay. Nhịp điệu đó làm tôi bị mệt. Tôi muốn sống chậm.
- Có không ít đàn ông theo đuổi chị nhưng vì sao đến giờ chị chưa tìm được tình yêu?
- Nhiều người đàn ông nói yêu tôi nhưng ít có người nào hiểu được tôi. Người thì thương tôi nhưng chỉ muốn sở hữu tôi, không muốn chia sẻ tôi với ai khác. Người lại không ủng hộ việc ăn chay, tu hành của tôi. Người khác thương tôi mà không thương được con chó, con rùa của tôi. Có người giỏi giang, muốn lo cho tôi hết mà không muốn tôi ra ngoài đi làm kiếm tiền... Tôi quen tự lập từ khi còn rất trẻ rồi. Tôi quen lo lắng, chăm sóc cho người khác hơn là bị phụ thuộc vào một ai. Mà trong chuyện tình cảm tôi cứ để mọi thứ diễn ra thoải mái, tự nhiên. Tôi không có áp lực hay sợ gì chuyện mình bị "ế".
- Niềm vui trong cuộc sống hiện tại của chị là gì?
- Ngoài X-Factor, tôi sống đời bình thường bên cha mẹ, người thân. Tôi có công việc kinh doanh, làm ăn riêng, "có thực mới vực được đạo" mà. Khi rảnh, tôi chơi với hai con chó và con rùa thân thương của mình. Con rùa đó, tôi cứu nó trong một lần nó suýt bị người ta giết. Những "đứa này" cực kỳ thương tôi. Nhiều khi chúng thương tôi hơn người ta. Chúng thương tôi nhiều nhưng không cần nói gì. Còn người ta thương tôi ít thôi mà sao nhiều lúc người ta cứ hay nói này kia, chỉ trích tôi nhiều quá.
Tôi muốn được vui, được thanh thản với cuộc sống mình chọn. Tôi muốn trong khả năng mình có thể thì dành thời gian giúp người nghèo, người khốn khó, giúp các con vật bị bỏ rơi, ngược đãi. Sinh ra là kiếp con vật là buồn lắm rồi mà nhiều khi tôi thấy chúng không thể tự vệ. Sự sống cái chết của chúng phụ thuộc vào hành xử của con người.
- Ăn chay và thiền định thay đổi cuộc sống của chị ra sao?
- Tôi ăn chay, đến với thiền vì thiền giúp tôi sống nhẹ nhàng, tìm lại chính mình, tìm lại sự mạnh mẽ bên trong tâm hồn thay vì chỉ gồng mình qua vỏ bọc bên ngoài.
Ngày xưa tôi trọng hình thức lắm. Tôi thích mua sắm đồ hiệu. Giày dép, túi xách và váy áo. Nhiều khi mua rồi để đó không dùng đến. Cả năm sau lôi ra, chúng còn nguyên nhãn mác. Ăn thì cũng thích ăn sang, toàn nhà hàng, khách sạn. Ra đường thì thích chứng tỏ đẳng cấp, trang điểm đầu tóc cầu kỳ, nếu người ta không nhận ra tôi thì tôi buồn.
Còn giờ, tôi chẳng muốn ai nhận ra mình. Người ta không nhận ra tôi, tôi còn thấy mừng. Vì tu thiền, tôi không còn dùng đồ da thật. Với những gì đã lỡ mua trước kia, tôi đành vẫn dùng thôi. Nhưng sau này, nếu có thể bán lại các món đồ, tôi sẽ dùng tiền ấy đi làm từ thiện, chăm sóc lại cho động vật.
Thoại Hà thực hiện