Theo kết luận được đưa ra ngày 1/11 của Sở Khoa học Công nghệ TP HCM về hiện tượng hố phun lửa trước nhà số 236 đường Bình Lợi, (phường 13, quận Bình Thạnh), trong 7 mẫu đất thu thập và phân tích không phát hiện ra các loại khí gây cháy nằm lẫn. Thành phần của mẫu đất chủ yếu là các chất vô cơ thông thường như silic, nhôm, sắt… không phát hiện thấy có thành phần nào cao bất thường.
Tương tự 3 mẫu nước cũng không lẫn các thành phần khí gây cháy. Riêng trong 8 mẫu khí, cơ quan chức năng phát hiện có khí mêtan với hàm lượng 0,2 – 2%.
Ngoài ra, kết quả đo đạc và phân tích các mẫu không khí xung quanh khu vực cho thấy tất cả các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép. Khảo sát địa chất khu vực bằng máy Georadar (một loại máy có thể kiểm tra tầng địa chất ở vị trí từ 3-4 mét so với mặt đường) cũng không phát hiện thấy các lỗ hổng tại khu vực gây cháy.
Sở Khoa học Công nghệ TP HCM cho rằng, nhiều khả năng hiện tượng cháy nổ là do khí metan phát sinh và tích tụ cục bộ trong lòng đất. Tuy nhiên lượng khí không nhiều và có khả năng đã được giải phóng hết, bởi sau lần cháy cuối cùng sáng ngày 29/10 đến nay, tại hố này không xuất hiện thêm bất cứ hiện tượng bất thường nào.
Trước đây, khu vực đường Bình Lợi là đầm lầy, có thể đã sản sinh ra khí mêtan. Loại khí này với công thức hóa học là CH4, thường có ở các mỏ dầu, mỏ khí, mỏ than, bùn ao, đầm lầy, hầm bioga, rác thải, đường ống cống rãnh… Khí mêtan được xem là không thua khí gas, bởi tích tụ nhiều khi đạt nồng độ nguy hiểm, thoát ra ngoài, gặp nguồn nhiệt sẽ gây nổ, cháy.
Trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giám sát, phong tỏa vị trí hố này đến hết ngày 3/11. Sau đó, nếu mọi việc vẫn không có gì bất thường thì sẽ tái lập lại mặt đường, giải tỏa hiện trường.
Trước đó, ngày 28/10, mặt đường Bình Lợi, đoạn trước số nhà 236 (phường 13, quận Bình Thạnh) bất ngờ phát nổ, phun lửa, mặt đường sụp xuống thành hố có đường kính khoảng 20 cm, sâu 30 cm. Dưới hố nước sôi sùng sục, cứ ít phút thì phun trào lửa cao hơn một mét, khói màu hồng.
Ngay sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đã đến hiện trường để lấy mẫu đất, nước, khí trong lòng hố để phân tích nhằm xác định nguyên nhân.
An Nhơn