Ba con rắn độc ngã vào giếng nước ở một ngôi làng gần thành phố Ahmednagar, bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ, hôm 8/2. Đôi rắn lục Russell rơi xuống giếng trong lúc thực hiện vũ điệu giao phối. Con còn lại là rắn hổ mang, nhiều khả năng bám theo để rình bắt chúng và cũng gặp nạn.
Một nông dân phát hiện lũ rắn dưới giếng và gọi tới Hiệp hội Giải cứu Động vật hoang dã (WRC). Akash Jadhav, nhân viên của WRC, cùng đội cứu hộ tới giải quyết sự việc. Akash cùng đồng nghiệp Nawaz Shaikh trèo xuống giếng sâu 30 m để bắt rắn. Họ mất rất nhiều công sức vì chúng liên tục né tránh bằng cách bơi ra xa.
Giếng quá rộng nên Akash và Nawaz cảm thấy bộ thiết bị chuyên dụng làm mình chậm lại. Sau đó, cả hai quyết định không sử dụng dây treo mà chỉ đứng trên thành giếng, cẩn thận giữ thăng bằng và bắt rắn. Họ mất tới ba tiếng để hoàn thành nhiệm vụ.
"Chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ rơi xuống giếng cùng đám rắn độc. Thật mừng khi mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp với cả chúng tôi lẫn đám rắn", Akash chia sẻ.
Rắn hổ mang phân bố chủ yếu từ miền nam châu Phi đến Nam Á và các đảo thuộc Đông Nam Á. Nọc độc của chúng thường chứa độc tố thần kinh giúp hạ gục con mồi, bao gồm các loài thú nhỏ, chim, thằn lằn, thậm chí rắn. Trong khi đó, rắn lục Russell cũng có nọc độc và thường ăn thịt động vật gặm nhấm, đôi khi cả các loài bò sát nhỏ, cua, động vật chân khớp.
Thu Thảo (Theo Newsflare)