Chính quyền tỉnh Sindh, miền nam Pakistan, ngày 4/9 quyết định phá bờ kè hồ Manchar, hồ nước ngọt lớn nhất nước này, trong nỗ lực cuối cùng để tránh thảm họa vỡ bờ.
Giới chức tỉnh Sindh cho biết 100.000 người có thể phải di dời, nhưng họ hy vọng động thái phá một phần bờ kè có thể cứu được các khu đông dân cư khỏi lũ lụt. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của tỉnh ngày 5/9 thừa nhận quyết định trên không hiệu quả.
"Mực nước trong hồ vẫn chưa giảm xuống", Jam Khan Shoro, giám đốc sở thủy lợi tỉnh Sindh, nói. Hồ Manchar trong mùa mưa có diện tích lên tới hơn 500 km2.
Thủ tướng Shahbaz Sharif hôm qua tới thăm tỉnh Sindh để đánh giá thiệt hại và thị sát hồ Manchar bằng trực thăng. Tỉnh Sindh là nơi sản xuất một nửa lương thực của cả nước, nhưng 90% diện tích gieo trồng đã bị tàn phá, với nhiều ngôi làng bị nước lũ cuốn trôi.
Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan ngày 5/9 cho hay các trận mưa gió mùa kỷ lục và sông băng tan chảy đã gây lũ lụt kỷ lục, ảnh hưởng tới 33 triệu người, khiến ít nhất 1.314 người thiệt mạng, trong đó 458 trẻ em.
Ảnh vệ tinh cho thấy 1/3 diện tích Pakistan đang chìm trong nước lũ, hơn 1,6 triệu ngôi nhà hư hỏng nặng từ giữa tháng 6. Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ngày 5/9 điều máy bay chở hàng viện trợ khẩn cấp tới thành phố cảng phía nam Karachi, thủ phủ tỉnh Sindh. Turkmenistan cũng điều máy bay chở hàng viện trợ tới Karachi.
"Lũ lụt khiến trẻ em và các hộ gia đình không thể tiếp cận với các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống", Abdullah Fadil, đại diện UNICEF tại Pakistan, nói.
Lũ lụt tấn công Pakistan sau một mùa hè nắng nóng và lượng mưa kỷ lục. Chính phủ Pakistan và Liên Hợp Quốc cho rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan này là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Chính phủ Pakistan ước tính thiệt hại do lũ lụt lên tới 10 tỷ USD và kêu gọi các cường quốc toàn cầu giúp đỡ. Tuần trước, Mỹ công bố viện trợ nhân đạo 30 triệu USD cho nạn nhân lũ lụt Pakistan, nhiều quốc gia khác cũng gửi viện trợ.
Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho rằng chính các nước giàu xả nhiều khí thải đã gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Ông nói Pakistan đóng góp chưa tới 1% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng chịu tác động lớn nhất từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Hồng Hạnh (Theo Reuters/AP)