Chiều 13/11, với 449 đại biểu tán thành (đạt 93%), Quốc hội thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó có quy định nêu trên.
Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý thường trú, tạm trú từ phương thức thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy như lâu nay sang dùng công nghệ thông tin; cơ quan chức năng sử dụng mã số định danh cá nhân của người dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy ủng hộ phương thức quản lý cư trú mới, song nhiều đại biểu cho rằng từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực vào tháng 7/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể vẫn chưa hoàn thiện, chưa vận hành thông suốt. Do vậy, người dân cần được tiếp tục dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đến hết năm 2022 để chứng minh nơi cư trú, giải quyết các thủ tục hành chính khi cần thiết.
Trước ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu về thời gian hiệu lực của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Kết quả lấy phiếu cho thấy, 266 đại biểu đồng ý phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng các loại giấy tờ nêu trên đến hết năm 2022; 135 đại biểu đồng ý đến 1/7/2021. Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa dự thảo Luật theo ý kiến đa số.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói việc kéo dài hiệu lực của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đến năm 2022 nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền phức cho người dân; đồng thời, tránh tạo áp lực lớn cho cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành.
Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, quy định trên không ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật Cư trú (sửa đổi) từ giữa năm 2021.
"Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành, vận hành thông suốt, người dân chỉ cần dùng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, nơi cư trú", ông Tùng nói và cho rằng đến lúc đó sổ hộ khẩu giấy sẽ tự chấm dứt vai trò ngay cả khi chưa đến thời hạn cuối năm 2022.
Ngoài nội dung trên, Luật Cư trú (sửa) quy định, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 mỗi người.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú chạy trên mạng internet và được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Thông tin về nơi thường trú, tạm trú của mỗi người dân đều là trường dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trong các cơ sở dữ liệu này.
Trường hợp người dân làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, cơ quan chức năng có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, cập nhật thông tin địa chỉ của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu và thông báo bằng văn bản mà không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Hiện Bộ Công an đã thu thập được 90% cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 10% còn lại sẽ hoàn thành trong năm nay.