Khúc tráng ca tháng Tư do Hồ Hoài Anh phổ nhạc từ bài thơ Khúc tráng ca tháng Tư của người lính già của nhà báo Nguyễn Sĩ Đại.
*Khúc tráng ca tháng tư - Tùng Dương
Hồ Hoài Anh kể cách đây hơn một tháng, trong một dịp ngồi cùng bạn bè, anh tình cờ được nghe bài thơ của Nguyễn Sĩ Đại về người lính già lặng lẽ đi tìm mộ cho các đồng đội suốt hàng chục năm qua. Nhạc sĩ tìm đến hỏi chuyện Thiếu tướng Lê Phi Long - người từng tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh.
"Thiếu tướng đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn nhớ cặn kẽ từng chi tiết của cuộc chiến vệ quốc. Những câu chuyện trong chiến tranh, cả vui lẫn buồn, khiến tôi xúc động. Tôi chợt nhận ra những người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh như ông, ai cũng đau đáu nỗi niềm với đất nước, đồng đội đã hy sinh. Ai trong số họ cũng có mong muốn tột cùng là được đưa chiến hữu đã ngã xuống về đoàn tụ với gia đình", anh tâm sự.
Một trong những câu chuyện khiến anh xúc động nhất kể về hành trình tìm mộ chồng của bà Huỳnh Thị Hiệp - vợ của Trung tá Trần Lê Nam (tên thật: Trần Ngọc Quế). Ông Nam là đồng đội của Thiếu tướng Lê Phi Long khi xưa.
Bà Huỳnh Thị Hiệp - vợ của ông Trần Lê Nam - không thể quên được những dòng thư chồng viết vội khi vừa đặt chân vào chiến trường B5 ở miền Trung. Đó là khoảng tháng 12/1967, khi miền Bắc đang chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân. Trong thư, ông Nam trấn an vợ rằng mình vẫn khỏe, ăn ngủ tốt, đi đường có chút vất vả. Tuy vậy, đôi vợ chồng không ngờ những dòng thư viết vội ấy cũng là lần cuối cùng họ trò chuyện. Ông Nam hy sinh vào ngày 29/1/1968 sau một đợt máy bay B52 của Mỹ tấn công.
Suốt những năm 1980, bà Hiệp đi tìm mộ chồng nhưng vô vọng. Bà từng từ bỏ ý định và xin giấy chứng nhận chồng mất tích. Một ngày, bà đến thăm người bạn cũ của gia đình - Thiếu tướng Lê Phi Long. Khi nghe chuyện, ông Long quyết định tìm đến Tổng Cục Chính trị để nhờ những người bạn cũ đang công tác tại đây giúp đỡ. Tháng 5/1989, sau 13 năm tìm kiếm, bà Hiệp tìm lại được mộ chồng.
Hồ Hoài Anh quyết định phổ nhạc bài thơ Khúc tráng ca tháng Tư của người lính già. Sự thăng hoa về cảm xúc trước câu chuyện cảm động về người lính, tình đồng đội giúp anh hoàn thành tác phẩm chỉ trong một ngày.
Nhạc sĩ kể bình thường, mỗi lần vào phòng thu, vợ anh - ca sĩ Lưu Hương Giang - thường để chồng có không gian riêng sáng tác. Cô không muốn cản trở hay làm đứt mạch cảm xúc của anh. Nhưng khi nghe được những giai điệu vang lên từ phòng thu, Lưu Hương Giang không kìm nén được sự tò mò. Có lần, cô bước vào và nói với Hồ Hoài Anh: "Lâu lắm rồi em mới nghe một bài hát nhiều cảm xúc như vậy từ anh".
Ban đầu, Hồ Hoài Anh định viết bài hát với giai điệu giống các nhạc phẩm cách mạng, nhạc đỏ nhưng cuối cùng quyết định đưa dấu ấn cá nhân vào Khúc tráng ca tháng tư. Anh muốn ca khúc này vừa hùng tráng nhưng phải có chút gì đó ma mị.
Tùng Dương được lựa chọn để thể hiện bài hát của Hồ Hoài Anh. Nam ca sĩ cho biết Khúc tráng ca tháng Tư là ca khúc "đo ni đóng giày" cho mình. Theo Tùng Dương, bài hát đòi hỏi quãng giọng rất rộng, nếu chủ quan hoặc quãng giọng hẹp dễ bị lộ điểm yếu. "Tôi rất vui khi nghe Hồ Hoài Anh nói rằng lúc sáng tác, cậu ấy nhớ ngay đến quãng giọng của mình. Tuy vậy, tôi cũng phải khẳng định đây là bài hát mang tính thử thách bởi có nhiều đoạn yêu cầu quãng giọng cao chất ngất", ca sĩ tâm sự.