Cả ba tác giả Mạnh Cường, Lâm Phúc, Xuân Chính đều sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Họ cùng công tác tại Đài Truyền hình, cùng đam mê nhiếp ảnh và có tình yêu vô bờ dành cho Hồ Gươm – trái tim của thủ đô. Lấy tứ từ bài hát Người Hà Nội: "Đây hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm" mà triển lãm chung của ba tác giả được lấy tên Lắng hồn núi sông.
Hồ Gươm hiện lên đẹp như bức tranh thủy mặc trong một bức hình mà Xuân Chính chụp chú chim đậu trên cành tre trong mùa đông, hay cảnh Bờ Hồ với hàng cây trụi lá trong ảnh Mạnh Cường. Cũng có những bức hình thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, lãng mạn của bờ hồ như ảnh chụp một cành phượng ngả soi bóng nước của Mạnh Cường, hay bức ảnh một người cầm ô dưới gốc cây trong ảnh Lâm Phúc. Qua góc nhìn Xuân Chính, những mùa hoa lộc vừng, mùa lá bằng lăng đỏ khiến Hồ Gươm đẹp như một bức tranh mà các gam màu được tính toán cẩn trọng, sao cho cái rực rỡ của hoa, của lá không làm mất đi vẻ trầm mặc vốn có của nơi "lắng hồn thiêng sông núi".
Nhiếp ảnh gia Hoàng Mạnh Cường cho biết, mỗi bức ảnh chính là một góc nhìn, một xúc cảm khác nhau của người chụp đối với quang cảnh Hồ Gươm. Còn nhiếp ảnh gia Xuân Chính chia sẻ, để có những bức ảnh về một Hồ Gươm khác lạ như vậy, người chụp phải kiên trì nắm bắt lấy từng khoảnh khắc, cái hồn của cảnh vật. Ví dụ, như bức ảnh những chiếc lá gạo đỏ, theo nhiều người phải tới 10 năm nay cây gạo mới đồng loạt đỏ lá như thế; hay trong một mùa, phải tìm đúng một ngày, và trong một ngày thì phải bỏ ra cả buổi để có thể chụp được cái bảng lảng sương khói ở Hồ Gươm.
Triển lãm ảnh Lắng hồn núi sông diễn ra tại nhà hàng Lục Thủy (16 Lê Thái Tổ) từ 8/10 cho tới hết ngày 18/11.
* Một số tác phẩm trong triển lãm |
Hiền Đỗ