Nhân viên y tế tại các bệnh viện tại Vũ Hán, nơi khởi phát dịch Covid-19 và nhiều địa phương xung quanh tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đang kêu gọi người dân quyên góp đồ bảo hộ nhằm đối phó tình trạng nCoV lây lan.
Đáp lại lời kêu gọi này, nhiều người Trung Quốc đã thành lập các nhóm trên mạng xã hội nhằm giúp bệnh nhân tìm giường bệnh, huy động tình nguyện viên đưa họ tới bệnh viện và "lùng sục" khẩu trang, đồ bảo hộ trên khắp thế giới để gửi tới nhân viên y tế.
Tuy nhiên, số vật tư này vẫn nằm trong kho của Hội Chữ thập Đỏ Vũ Hán, trong khi nhiều cá nhân cố gắng phân phối đồ cứu trợ có nguy cơ vi phạm luật từ thiện nghiêm ngặt của Trung Quốc.
"Chúng tôi chỉ là nhóm nhỏ với khả năng vô cùng hạn chế", Panda Yin, một nhà thiết kế ở Bắc Kinh thành lập nhóm tình nguyện gồm khoảng 200 người trên WeChat, cho biết. "Mọi người tìm đến chúng tôi, bởi họ biết con đường đáng lẽ nhanh chóng hơn lại có một hố đen lớn".
Theo bình luận viên Li Yuan của NY Times, "hố đen" mà Yin đề cập là Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc. Tổ chức này không liên kết với Hội Chữ thập Đỏ ở những nơi khác trên thế giới và được chính phủ kiểm soát. Chính quyền Vũ Hán nhấn mạnh tất cả khoản quyên góp đều phải thông qua nhánh của Hội Chữ thập Đỏ tại địa phương.
Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc nổi tiếng về tình trạng tham nhũng và hoạt động kém hiệu quả. Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin về nhiều vụ bê bối của tổ chức này, chẳng hạn vụ một lãnh đạo cấp cao của Hội chia sẻ những hình ảnh về lối sống xa hoa trên mạng 9 năm trước.
Theo đánh giá của nhiều người dân Trung Quốc, Hội Chữ thập Đỏ nước này chậm chạp trong việc phân phát khẩu trang và các vật tư khác. Chính quyền trung ương hôm 14/2 cũng đề nghị tổ chức tăng tốc quyên góp. Tuy nhiên, tổ chức này được cho là dành những khẩu trang tốt nhất cho quan chức địa phương, thay vì trao cho các bệnh viện tuyến đầu.
Ngày 11/2, trung tâm chỉ đạo chống dịch bệnh thuộc chính quyền Vũ Hán nhận được gần 19.000 khẩu trang N95 chuyên dụng để chống virus, nhưng Bệnh viện Hiệp Hòa, một trong những bệnh viện công lớn nhất thành phố, chỉ nhận được 450 chiếc. Ngoài Bệnh viện Hiệp Hòa cũng chỉ có ba bệnh viện khác nhận được khẩu trang. Hôm 13/2, toàn bộ khẩu trang N95 được đưa tới các ủy ban y tế địa phương.
Trong khi đó, các y bác sĩ Vũ Hán cho biết họ phải mặc áo mưa dùng một lần thay vì đồ bảo hộ, thậm chí đeo khẩu trang phẫu thuật bình thường trong lúc tiến hành các xét nghiệm nguy hiểm. Họ còn phải đóng bỉm để hạn chế phải thay đồ bảo hộ khi đi vệ sinh.
Giới chức Trung Quốc hôm 17/2 cho biết hơn 3.000 nhân viên y tế nước này bị nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV, dù không phải tất cả đều lây từ nơi làm việc, và ít nhất 6 người đã tử vong. Đông đảo người Trung Quốc bày tỏ đau buồn trước sự ra đi của các bác sĩ như Lưu Trí Minh, giám đốc bệnh viện Vũ Xương tại Vũ Hán hay Lý Văn Lượng, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.
Ba quan chức Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Hồ Bắc đã bị kỷ luật trong tháng này. Trong khi đó, Hội Chữ thập Đỏ thành phố Vũ Hán cho rằng họ chỉ là một phần trong hệ thống cung ứng vật tư của thành phố, việc phân bổ chúng là trách nhiệm của các quan chức địa phương.
Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc dường như khiến quá trình phân phối vật tư y tế bị đình trệ, còn chính quyền đôi lúc có thể gây trở ngại cho nỗ lực sản xuất, mua và phân phát chúng từ phía tư nhân. Bình luận viên Li nhận định chính quyền Trung Quốc không tin các doanh nghiệp của chính họ.
Tại Tiên Đào, thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc cách Vũ Hán hơn 110 km, một trong những trung tâm sản xuất đồ bảo hộ lớn nhất thế giới, chính quyền địa phương hôm 3/2 đóng cửa hầu hết cơ sở, chỉ để lại 10 nhà máy sản xuất đồ bảo hộ với lý do cần kiểm soát chất lượng.
Một quan chức địa phương giải thích rằng trong số 113 công ty quy mô lớn của thành phố, chỉ hai cơ sở có giấy chứng nhận bán áo choàng y tế ở Trung Quốc, bởi phần lớn sản phẩm làm từ vải không dệt ở Tiên Đào chỉ dành cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, một chủ nhà máy họ Wang cho biết lý do này không xác đáng, bởi đồ bảo hộ tại cơ sở của ông được sản xuất cho khách hàng Mỹ và Anh phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương đương, nếu không muốn nói là cao hơn Trung Quốc. Nhiều sản phẩm cuối cùng lại quay về Trung Quốc. Giới chức Tiên Đào không bình luận về vấn đề này.
Theo ông Wang, lý do thực sự là giới chức địa phương không muốn chịu trách nhiệm nếu công nhân nhà máy bị nhiễm nCoV, hoặc xuất hiện vấn đề về chất lượng sản phẩm. Các chủ nhà máy đồng ý rằng chính quyền nên định giá và xem xét kỹ lưỡng chất lượng sản phẩm trong khoảng thời gian nhạy cảm này, nhưng họ có thể đề ra các quy tắc và giám sát chúng, thay vì đóng cửa nhà máy.
Quan chức địa phương cho biết chính quyền Tiên Đào hôm 9/2 cho phép thêm 73 công ty hoạt động trở lại sau khi được chính quyền tỉnh Hồ Bắc phê duyệt, nhưng ông Wang và nhiều chủ nhà máy khác nói hầu hết cơ sở vẫn tạm ngừng sản xuất.
Hồi đầu tháng, giới chức Tiên Đào đã ngăn các tình nguyện viên từ Kinh Châu, thành phố cũng thuộc tỉnh Hồ Bắc cách đó khoảng 160 km, tới đây lấy vật tư y tế. Một tình nguyện viên họ Zhang cho biết họ buộc phải tới Tiên Đào lấy hàng bởi Ủy ban Y tế Kinh Châu bị quá tải, không cung cấp vật tư đủ nhanh cho các bệnh viện địa phương.
Tuy nhiên, chính quyền Tiên Đào đã tìm cách tịch thu số vật tư này tại một trạm kiểm soát, đồng thời yêu cầu nhóm tình nguyện viên rời thành phố, Zhang kể lại. Người này từng chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh và video cho thấy nhóm tình nguyện viên giao trang phục, kính bảo hộ và cồn y tế cho các bệnh viện.
Zhang cho biết anh gần như bật khóc khi thấy các y bác sĩ tại một phòng khám địa phương không có đồ bảo hộ nào ngoài khẩu trang y tế bình thường. Người đứng đầu phòng khám vô cùng biết ơn khi nhận số vật tư và tặng nhóm tình nguyện 4 quả dưa hấu, Zhang nói.
Các tình nguyện viên như Zhang quyên tiền mua vật tư thông qua mạng xã hội. Một trong các nhóm chat của anh hầu hết gồm doanh nhân, với chủ đề thảo luận là liệu họ có thể đăng thông báo gây quỹ lên WeChat Moments, một nền tảng tương tự dòng thời gian trên Facebook, hay không, bởi Trung Quốc có các quy định nghiêm ngặt liên quan tới việc cá nhân huy động tiền từ công chúng.
Bất chấp nguy cơ "giẫm chân" các cơ quan y tế và đối mặt cáo buộc vi phạm quy tắc gây quỹ cộng đồng, một số chủ doanh nghiệp trong nhóm chat vẫn cố gắng tìm cách thu xếp với chính quyền. Ông Liu, một doanh nhân công nghệ trong nhóm, lập luận rằng họ không thể làm bất cứ điều gì nếu không mạo hiểm.
"Tính mạng con người nên được đặt lên mọi thứ khác", người đàn ông trong độ tuổi 50 cho hay.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)