Các nhà thiên văn học quan sát ánh sáng từ một ngôi sao bị hố đen siêu khối lượng xé toạc và nuốt chửng bằng kính viễn vọng ở Đài thiên văn phía nam châu Âu (ESO) ở Chile. Sự kiện này là quá trình tử vong của ngôi sao gần nhất mà họ chứng kiến từ trước tới nay. Những gì các nhà khoa học thấy là tác động mỳ ống hóa (spaghettificaton) của hố đen lên ngôi sao. Họ mô tả phát hiện hôm 12/10 trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
"Nếu một ngôi sao kém may mắn lang thang quá gần hố đen siêu khối lượng, lực hấp dẫn cực mạnh của nó sẽ xé ngôi sao thành những sợi vật chất mỏng", Thomas Wevers, nghiên cứu sinh ở ESO, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích.
Khi các sợi vật chất mỏng của ngôi sao rơi vào hố đen, chúng lóe sáng mạnh đến mức các nhà thiên văn học có thể phát hiện được. Hiệu ứng mỳ ống rất hiếm thấy và khó nghiên cứu. Nhưng nhóm chuyên gia hướng Kính viễn vọng Lớn và Kính viễn vọng Công nghệ mới của ESO tới nơi phù hợp sau khi quan sát chớp sáng nằm gần hố đen siêu khối lượng vào năm ngoái. "Giả thuyết hố đen ‘hút’ một ngôi sao gần đó nghe giống khoa học viễn tưởng. Nhưng đây chính xác là những gì xảy ra trong sự kiện gián đoạn thủy triều (disruption event)", Matt Nicholl, nghiên cứu sinh ở Đại học Birmingham, Anh, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Dù ánh sáng từ ngôi sao vô cùng rực rỡ, các nhà thiên văn học vẫn khó nghiên cứu do bụi và mảnh vỡ từ sự kiện che khuất tầm quan sát. Năng lượng giải phóng trong suốt "bữa ăn" của hố đen làm bắn ra những mảnh vỡ của ngôi sao, tạo thành tấm màn chắn.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu quan sát sự kiện không lâu sau khi ngôi sao bị xé rách. Họ tiếp tục sử dụng nhiều kính viễn vọng và thiết bị khác nhau để nghiên cứu chi tiết hơn trong vòng 6 tháng khi ánh sáng từ ngôi sao trở nên rực chói và sau đó mờ dần. "Do quan sát từ sớm, chúng tôi có thể thấy tấm màn bụi và mảnh vỡ bị hình thành khi hố đen phun ra luồng vật chất ở tốc độ 10.000 km/s", Kate Alexander, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các quan sát được tiến hành ở những bước sóng ánh sáng khác nhau, bao gồm ánh sáng quang học, tia X, cực tím và vô tuyến. Các bước sóng này hé lộ mối liên hệ trực tiếp giữa chớp sáng sinh ra khi ngôi sao bị hố đen nuốt chửng và vật chất tuôn ra từ ngôi sao.
An Khang (Theo CNN)