
Hố đen nằm ở trung tâm thiên hà Holm 15A. Ảnh: Discovery.
Các nhà thiên văn học phát hiện một hố đen có khối lượng lớn gấp 40 tỷ lần Mặt Trời, lập kỷ lục lớn nhất trong vũ trụ địa phương, vùng không gian quanh Trái Đất với bán kính khoảng một tỷ năm ánh sáng. Theo nghiên cứu công bố hôm 3/12 trên tạp chí Astrophysical Journal, hố đen siêu lớn này nằm ở trung tâm thiên hà Holm 15A giữa cụm lớn bao gồm 500 thiên hà mang tên Abell 85, cách Trái Đất khoảng 700 triệu năm ánh sáng.
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Vật lý ngoài hành tinh Max Planck (MPE) và Đài thiên văn Wendelstein (USM) tại Đức quan tâm tới Holm 15A do một số đặc điểm khác thường. Dù là thiên hà sáng nhất trong cụm, trung tâm của nó vô cùng mờ nhạt, chứng tỏ tồn tại một hố đen khối lượng cực lớn.
Theo Roberto Saglia, nhà nghiên cứu ở MPE, khu vực trung tâm của Holm 15A có độ sáng bề mặt rất thấp. Từ các nghiên cứu trước đây, Saglia và đồng nghiệp biết độ sáng bề mặt thấp ở trung tâm những thiên hà là dấu hiệu từ quá trình sáp nhập hai hố đen siêu lớn. Trong trường hợp Holm 15A, chỉ hố đen khổng lồ ở trung tâm mới có thể tạo ra độ sáng bề mặt như vậy.
Các quan sát sử dụng Đài thiên văn Wendelstein và Kính viễn vọng rất lớn trên sa mạc Atacama của Chile cho phép nhóm nghiên cứu ước tính khối lượng của hố đen dựa trên chuyển động của những ngôi sao quanh trung tâm thiên hà.
Tuy hố đen ở trung tâm Holm 15A rất đồ sộ, đây không phải hố đen lớn nhất từng được nhận dạng. Kỷ lục thuộc về TON 618, hố đen có khối lượng gấp 66 tỷ lần Mặt Trời. Vũ trụ địa phương là khoảng vũ trụ có thể quan sát chi tiết nhất, theo Khoa thiên văn học của Đại học Wisconsin-Madison. Phần lớn hiểu biết của chúng ta về vũ trụ đều đến từ khu vực này.
An Khang (Theo Newsweek)