Nếu Israel là ví dụ thành công trong tiêm phòng Covid-19 thì Anh là nơi kiểm chứng xem các nước có thể chấm dứt phong tỏa và học cách sống chung với đại dịch hay không. Thủ tướng Anh Boris Johnson tin xét nghiệm hàng loạt tại nơi làm việc, trường học, trung tâm mua sắm và nhà hát là biện pháp mấu chốt nhằm đảm bảo người dân Anh không bị nhiễm nCoV. Ông dự kiến sẽ trình bày chi tiết kế hoạch trước Quốc hội vào ngày 22/2.
Mỗi ngày, hàng trăm nghìn mẫu xét nghiệm có thể được gửi qua đường bưu điện, thậm chí gửi cho cả học sinh trung học. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab, nước này đang ra sức chặn các đợt bùng phát. Thay vì sử dụng "hộ chiếu vaccine" như các quốc gia khác, chính phủ mong muốn những mẫu xét nghiệm nhanh sẽ trở nên thông dụng trong đời sống.
Không chỉ có số ca tử vong cao nhất châu Âu, Anh còn chứng kiến nền kinh tế suy thoái ở mức nghiêm trọng nhất kể từ trận Đại băng giá năm 1709. Tuy nhiên, 1/4 người dân Anh đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine. Anh còn tiên phong trong việc xác định các chủng nCoV đột biến nguy hiểm.
Câu hỏi đặt ra không phải là làm thế nào để loại bỏ Covid-19, mà là dỡ lệnh phong tỏa như thế nào. Các nhà phê bình cho rằng những thất bại trong việc xét nghiệm trước đó đã góp phần vào số ca tử vong tại Anh. Một số nhà dịch tễ học lại cho rằng xét nghiệm hàng loạt không đáng tin cậy bằng những quy trình kiểm tra đầy đủ (tuy tốn thời gian hơn).
Gabriel Scally, chủ tịch dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng tại Hiệp hội Y khoa Hoàng gia, cho biết: "Sẽ chẳng hiệu quả nếu cứ phân phát mẫu xét nghiệm như đi tung hoa. Họ muốn một giải pháp đơn giản mà kỳ diệu, có thể giải quyết mọi chuyện. Tuy nhiên, bác sĩ nào cũng sẽ cho rằng việc này không khả thi".
Thủ tướng Johnson hiểu rõ ông đang trong tình thế căng như dây đàn. Nhiều thành viên trong Đảng Bảo thủ do ông cầm quyền kêu gọi nhanh chóng mở cửa nền kinh tế. Một báo cáo hôm 18/2 cho thấy, doanh số bán lẻ vốn là huyết mạch của nền kinh tế Anh đã giảm nhanh hơn hai lần so với dự kiến trong tháng 1.
Người dân không còn xa lạ với khái niệm xét nghiệm hàng loạt. Vào tháng 9/2020, Thủ tướng Johnson đưa ra "Chiến dịch Moonshot", triển khai hàng triệu mẫu xét nghiệm mỗi ngày. Tưởng chừng đã bị loại bỏ, kế hoạch được tái áp dụng vào ngày 15/2 mới đây, khi ông tuyên bố xét nghiệm nhanh sẽ "giải quyết cả những vấn đề khó khăn nhất" như mở cửa hộp đêm và nhà hát.
Một chương trình xét nghiệm trị giá 22 tỷ bảng Anh (31 tỷ USD) nâng công suất xét nghiệm của quốc gia này lên mức cao nhất thế giới, với hơn 760.000 xét nghiệm chỉ trong một ngày. Chương trình bao gồm xét nghiệm PCR (mất một hoặc hai ngày để xử lý) và các xét nghiệm nhanh có thể cho kết quả trong vòng 30 phút.
Doanh nghiệp đang muốn áp dụng các mẫu xét nghiệm nhanh. Kate Nicholls, giám đốc điều hành của Tập đoàn UKHospitality cho biết ngành y tế đã sẵn sàng tiến hành xét nghiệm để đảm bảo các hộp đêm và các sự kiện (như hội nghị và đám cưới) có thể tái hoạt động càng nhanh càng tốt.
Trong khi đó, các siêu thị thảo luận với giới chức về biện pháp xét nghiệm thực hiện ở nhà hoặc trong cộng đồng, thay vì tại siêu thị. Hiện tại, nhân viên kho hàng đang được xét nghiệm nhanh vì nhà kho dễ quản lý hơn so với khu vực bán hàng.
Liên đoàn Công nghiệp Anh cho biết cần khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp triển khai xét nghiệm thường xuyên để đảm bảo môi trường làm việc an toàn hơn. Người phát ngôn Liên đoàn cho biết: "Ngay bây giờ, xét nghiệm cần được ưu tiên, thay vì kêu gọi sử dụng hộ chiếu vaccine nội địa".
Nhân viên y tế và chăm sóc xã hội vẫn được xét nghiệm thường xuyên. Các doanh nghiệp có hơn 50 nhân viên có thể yêu cầu xét nghiệm nhanh qua trang web của chính phủ. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về kết quả xét nghiệm sai. Bên cạnh đó, quy trình xét nghiệm có ảnh hưởng tới khách hàng nhiều hơn là tới người lao động.
Hiệp hội Điện ảnh Vương quốc Anh cho rằng việc yêu cầu 250 khán giả làm xét nghiệm và đợi 30 phút trước khi xem một bộ phim dài hai tiếng có vẻ không thực tế. Hiện chưa rõ liệu các công ty về lâu dài có phải tự trả tiền xét nghiệm hay không.
Một số nhà khoa học tin rằng điều quan trọng nhất vẫn là khuyến khích mọi người ở nhà trong 10 ngày cách ly bắt buộc để đảm bảo họ không lây lan nCoV. Dido Harding, người điều hành chương trình Xét nghiệm và theo dõi của Anh, cho biết: "Mỗi ngày, ít nhất 20.000 người Anh cách ly sai cách".
Giới chức trách khẳng định dù đã có kết quả âm tính, người dân cần hiểu rằng không có phương pháp xét nghiệm nào chính xác 100%. Chuyên gia Duncan Robertson tại Đại học Loughborough cho hay: "Nếu hàng trăm nghìn người được xét nghiệm nhanh hàng tuần, sẽ xuất hiện nhiều kết quả sai. Khi bất cứ ai có kết quả âm tính đều được đến hộp đêm, họ có khả năng lây lan cao hơn nữa, nếu thực chất đã nhiễm nCoV".
Mai Dung (Theo Japan Times)