Pham Mi Ly
Buổi ra mắt SBC là săn bắt chuột được tổ chức cùng lúc với lễ khai trương chi nhánh mới của Nhà xuất bản Trẻ, nơi ấn hành cuốn sách, tại Hà Nội vào sáng nay (29/9).
Nhân vật chính không có mặt nhưng nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông đã đến tham dự như các nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái; nhà báo Yên Ba; các nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Hữu Việt; các nhà văn Phong Điệp, Nhã Thuyên; dịch giả Thụy Anh...
Buổi ra mắt sách "SBC là săn bắt chuột" sáng 29/9 ở Hà Nội. |
Sách mở đầu bằng một trận lụt (chính là trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008), kết thúc bằng một trận hạn hán, ở giữa là 11 chương kể về cuộc chiến săn bắt chuột của các nhân vật. Nơi trú ẩn của chuột bị phá bỏ khi Đại Gia giải tỏa bãi rác, san lấp bãi lầy và xây nhà. Từ đó, không rõ lý do gì chuyện làm ăn của Đại Gia không thuận lợi, xây nhà xây tường đều sập qua một đêm. Đại Gia phải viện đến một ông thầy cúng từ Sài Gòn ra để giúp… diệt chuột.
Trong sách có cả nhân vật chuột và nhiều nhân vật người, cùng xuất hiện trong nhiều sự kiện, bối cảnh: buôn bán ma túy, buôn bán đất, khai hoang, chuyện tại sân golf, trong văn phòng, trên Internet… Tác giả lồng vào trước các chương những lời khuyến cáo dành cho các đối tượng khác nhau, như “Ai báo chí văn thơ đừng đọc chương này” hay “Ai quá lứa lỡ thì đừng đọc chương này”, khiêu khích tính tò mò của độc giả.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên giới thiệu cuốn sách. |
Thế nhưng, theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, tác phẩm của Hồ Anh Thái không phải để thỏa mãn sự tò mò của độc giả mà là thứ “văn nghĩ” đích thực. “Trong cuốn sách này, nhà văn đã biết cách đánh thức cái nghĩ của người đọc chứ không phải sự tò mò tối tăm. Tôi cho rằng một dân tộc trên đường phát triển cần phải có những quyển tiểu thuyết như thế này. Cái nghĩ của chúng ta bây giờ hiện nằm ở một vùng rất chán nản, đó là bụng”.
“Hồ Anh Thái là một người rất thông minh, dòng chảy chính trong tiểu thuyết này là dòng ý thức châm biếm, giễu nhại, tưởng như ai cũng viết được nhưng người viết được theo cách đó chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi”, bà Minh Thái nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho biết trong năm nay, đây là cuốn sách thứ hai sau Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh làm bà cảm thấy sốc vì độ hay. |
Để kết luận, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái trích dẫn một câu nói của nhà văn Pháp François Rabelais mà bà cho là rất phù hợp với cuốn sách này: “Tôi thích người đọc giống như một con chó thông minh, biết cách đọc sách của tôi bằng cách cắn vỡ cái xương để lấy phần tủy”.
Với SBC là săn bắt chuột, tác giả cũng hướng đến các độc giả trẻ và bận rộn. Cuốn tiểu thuyết không quá dày (343 trang), văn phong không khó đọc, có thể đọc xong trong một thời gian ngắn, nhưng để lại nhiều suy ngẫm.
Còn nhà thơ Hữu Việt cho rằng đây là tác phẩm nằm trong "giai đoạn hậu Ấn Độ" của Hồ Anh Thái. Có thể trong tương lai ông sẽ bắt đầu "giai đoạn Iran". Cuốn sách được ông viết trong thời gian ở Iran làm Phó đại sứ trong vòng hơn một năm nay, nhưng lại viết về xã hội Việt Nam đương đại.
Trong khoảng 30 năm cầm bút, nhà văn Hồ Anh Thái đã xuất bản hơn 30 cuốn sách, trong đó có các tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng; Trong sương hồng hiện ra; Người đàn bà trên đảo; Cõi người rung chuông tận thế; Mười lẻ một đêm; Đức Phật, nàng Savitri và tôi… Ông còn viết truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng Kim Tước; Mảnh vỡ của đàn ông; Tự sự 265 ngày; Bốn lối vào nhà cười…
Các tác phẩm của Hồ Anh Thái đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng bao gồm Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ… Hiện ông là Phó Đại sứ Việt Nam tại Iran (nhiệm kỳ 5 năm), là tiến sĩ văn hóa phương Đông, thỉnh giảng ở một số trường đại học nước ngoài.
Ảnh: Pham Mi Ly