Ngày 14/9, báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân cho hay con hổ chết tối hai ngày trước là giống đực, dài 1,65 m, cao một mét, nặng khoảng 200 kg, lông vàng, vằn đen.
Ông Trịnh Đình Bạch, người được ông Nguyễn Mậu Chiến (chủ trại) thuê trực tiếp quản lý, chăm sóc đàn hổ, cho hay trước khi chết con vật biểu hiện mệt mỏi, bỏ ăn, cơ thể ốm yếu, ít vận động...
Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân, công an và đại diện chính quyền xã Xuân Tín đã lập biên bản hiện trường và đưa hổ chết vào tủ cấp đông ở trang trại, niêm phong. Xác hổ được bảo quản dưới sự giám sát của chính quyền, kiểm lâm cho đến khi có quyết định xử lý cuối cùng của cấp thẩm quyền.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho hay đang vận động gia đình giao nộp hổ chết để tiêu hủy nhưng chưa được đồng ý.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, năm 2007 gia đình ông Chiến mua 10 con hổ, mỗi con nặng trung bình 7 kg của một người không quen biết, đưa từ Lào về Việt Nam nuôi nhốt trong khu trại ở xóm 27, xã Xuân Tín. Sau khi bị xử phạt 30 triệu đồng, ông Chiến được giao chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ. Năm 2008, người này mua thêm 5 con hổ khác, một lần nữa bị phạt 30 triệu đồng.
Ban đầu ông Chiến nuôi hổ trong khu chuồng nhỏ ở xóm 27 xã Xuân Tín. Chuồng trại nằm giữa khu dân cư gây nguy hiểm, mất vệ sinh môi trường và ô nhiễm tiếng ồn do hổ thường gầm rú mỗi khi đến kỳ động dục, gia đình sau đó thuê đất ở cánh đồng Cồn Tàu Voi, cách vị trí cũ khoảng 2,5 km.
Trong quá trình chăm sóc, vào các năm 2007, 2010, 2012, 4 con hổ bị chết, phải tiêu hủy, năm ngoái thêm một con chết. Số hổ còn lại khỏe mạnh.
Quá trình nuôi xảy ra sự cố vào ngày 28/5/2017, một học sinh lớp 7 sau giờ tan trường đến trại hổ, trèo lên cột điện giáp bờ rào chuồng hổ thò chân trêu chọc, bị hổ tấn công gây thương tích. Đàn hổ hiện được nuôi tại khu trại rộng 4.000 m2, tường rào bao quanh, bên trên lắp lưới thép B40 kiên cố, cao 4,5 m.
Tháng 5/2017, giấy phép nuôi nhốt hổ sinh trưởng, sinh sản hết hạn, chủ trại nhiều lần kiến nghị gia hạn nhưng không được chấp thuận. Căn cứ Luật Đa dạng sinh học 2008 và Nghị định 160/2013 thì "trại hổ chưa đủ điều kiện thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học". Gia đình được giao tiếp tục nuôi dưỡng đàn hổ, song không có quyền thay đổi hiện trạng, mua bán, vận chuyển hoặc giết mổ...
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, sau nhiều năm các cơ quan quản lý nhà nước và gia đình ông Chiến chưa tìm ra phương án quản lý, nuôi nhốt đàn hổ. Hiện mỗi ngày, đàn hổ tiêu thụ gần 100 kg thức ăn các loại, cộng với chi phí mua sắm vật dụng, gia cố chuồng trại, thuê người trông coi bảo vệ, thú y nên mỗi năm tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Nguồn kinh phí rất lớn, đều do gia đình bỏ ra, sau nhiều năm chủ trại nói "đã kiệt quệ, mệt mỏi...".
Phía kiểm lâm và chính quyền địa phương cũng cho hay rất vất vả khi phải cắt cử lực lượng, thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra nhằm tránh xảy ra sai sót, trong khi họ không được cấp kinh phí thực hiện việc này.
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, giấy phép hết hạn, gia đình ông Chiến sau khi được vận động đã thống nhất chuyển giao số hổ cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Phía gia đình đề nghị "bồi hoàn kinh phí xây dựng chuồng trại, chăm nuôi nhiều năm qua".
Về đề xuất nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với 11 trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, vườn thú đủ điều kiện trên cả nước, song hầu hết từ chối tiếp nhận với lý do không đủ điều kiện cơ sở vật chất. Một số trung tâm có thể xem xét tiếp nhận với điều kiện gia đình "tự nguyện hiến tặng, giao nộp và không bồi hoàn, hỗ trợ kinh phí".
Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) và một số tổ chức bảo vệ động vật hoang dã khác nhiều lần gửi văn bản cho Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa và các bộ ngành liên quan đề nghị tịch thu 10 con hổ nói trên. Tuy nhiên, theo đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan chức năng liên quan sau nhiều cuộc họp cho rằng "chưa có cơ sở pháp lý để tịch thu".
Lê Hoàng