*Trận Pháp - Croatia diễn ra lúc 22h Chủ nhật ngày 15/7, theo giờ Hà Nội, trực tiếp trên VnExpress.
"Chỉ còn 90 phút nữa để chiến đấu, cho một danh hiệu, cho lịch sử, cho vinh quang", Zlatko Dalic đã nói như thế trong trận chung kết Champions League 2016... ở châu Á. Đó là trận chung kết đầu tiên và duy nhất mà ông từng góp mặt trước khi đến với giải đấu trên đất Nga hè này.
CLB mà Dalic cầm quân, Al-Ain (UAE) hôm đó chạm trán Jeonbuk Motors của Hàn Quốc. Diễn biến trận đấu ấy hóa ra là một thảm họa với nhà cầm quân sinh ra ở Bosnia. Ông bị đuổi lên khán đài, cầu thủ ngôi sao Omar Abdulrahman dường như mất tích trong suốt 90 phút, còn trung phong mà Dalic luôn ra sức bảo vệ - Douglas – đá hỏng một quả phạt đền. Al-Ain thất bại 1-2, lỡ mất cơ hội giành chức vô địch Champions League thứ hai trong lịch sử.
Một năm sau đó, ông bị Al-Ain sa thải.
Một năm sau nữa, Dalic thấy ông đứng giữa sân khấu lớn nhất của thế giới bóng đá: trận chung kết World Cup.
Trước khi World Cup khởi tranh, tài khoản Twitter của Dalic chỉ có 38.000 người theo dõi, tức là chỉ ngang với một ca sĩ hạng trung của thế giới. Nhưng chất lượng công việc của ông ở Trung Đông là không thể phủ nhận. Dalic không phải là mẫu HLV đã thành danh ở châu Âu rồi sang đây kiếm tiền. Ông đi theo một con đường ngược lại, tức là lập nghiệp ở Trung Đông, rồi từng bước đi lên. Xuyên suốt hành trình kỳ diệu của Croatia tại giải lần này, ông nhận được rất nhiều thông điệp chúc phúc từ Tây Á.
Thất bại trong trận chung kết AFC Champions League 2016 không thể phủ nhận chất lượng công việc của ông tại CLB của UAE. Đến Trung Đông dẫn dắt Al-Ain thay Quique Flores, Dalic giữ ghế trong ba năm - thành tựu đáng kể của một khu vực nổi tiếng đuổi HLV nhanh nhất thế giới. Khi ông đưa Al-Ain vào chung kết Champions League, đấy là lần đầu tiên CLB này trở lại trận đấu danh giá nhất châu Á kể từ năm 2003 mà họ vô địch. Nhưng vào thời điểm cách đó 13 năm, giải đấu này còn ở quy mô rất nhỏ.
Đến năm 2016, Champions League châu Á đã mở rộng lên 32 đội, với một trận chung kết có hai lượt đi về. Khi Dalic đến, Al-Ain chưa từng vượt qua được vòng bảng kể từ năm 2006. Ba năm có ông, họ luôn lọt được vào vòng knock-out. Dalic biết rất rõ ông muốn gì ở đội bóng dưới trướng. "Phong cách của tôi là cố ghi nhiều bàn hơn đối thủ. Tôi là HLV thích tấn công hơn phòng ngự. Tôi thích những đội bóng mạo hiểm, tôi thích các cầu thủ của mình chơi bóng. Chiến thuật của tôi là lấy tấn công để phòng ngự", Dalic chia sẻ.
Darren Read, trợ lý cho Dalic ở Al-Ain, cho biết: "Những buổi tập của ông ấy luôn được thiết kế dựa trên đối thủ tiếp theo, và nó rất rõ ràng từ phòng ngự cho đến tấn công. Ông ấy hiểu rõ đối phương, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu. Ông nói bóng đá bây giờ không còn chỗ cho sự phỏng đoán nữa. Đây là thời đại của thông tin, ai có nhiều thông tin hơn sẽ chiếm lợi thế".
Lại là Read nói tiếp: "Quanh Dalic đều là những cộng sự mà ông ấy tin tưởng, những người sẽ cung cấp mọi thông tin mà Dalic cần. Tôi nhớ một buổi nói chuyện của ông ấy trước toàn đội, khi chúng tôi đấu với Al Jazira trong trận derby lớn nhất của Vùng Vịnh. Hôm ấy, hai đội đang xếp nhất và nhì trên bảng điểm. Dalic bước vào, ho một cái, nhìn quanh các cầu thủ rồi nói: 'Các anh biết phải làm gì rồi. Các anh biết điều gì chờ đợi mình rồi đó'. Nói xong ông ấy bước ra khỏi phòng. Các cầu thủ ra sân, thắng trận ấy và vô địch".
Tất nhiên mọi thứ không chỉ có màu hồng. Khi mọi chuyện ở Al-Ain xấu dần đi, một fan cuồng đã thiết kế tấm vé máy bay một chiều về Croatia, rồi in nó lên thành tấm bìa cứng để vẫy trong một trận đấu. Dalic bị sa thải không lâu sau đó.
Đấy là lúc lời mời từ Liên đoàn bóng đá Croatia xuất hiện. Tháng 10/2007, Croatia đang lâm nguy ở vòng loại World Cup 2018. Dalic đồng ý lên thay Ante Cacic với một điều kiện: ông sẽ chỉ làm tiếp nếu Croatia đoạt vé, nếu không, ông xin trả chiếc ghế ấy lại cho Liên đoàn.
Dalic tạo ra hiệu ứng tức thì. Ông dẫn dắt Croatia thắng Ukraine 2-0 trong trận đấu then chốt ở vòng loại, qua đó lấy vé đá play-off với Hy Lạp. Croatia hạ Hy Lạp 4-1 sau hai lượt trận. Lúc ấy, Dalic mới đồng ý ký hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Croatia đến năm 2020.
Trước khi dẫn dắt đội tuyển Croatia, HLV sinh ở Bosnia này đã hâm mộ đội tuyển áo kẻ carô. Ông chọn Croatia làm quốc gia khi đăng ký quốc tịch. Năm 1998, Dalic ngồi trên khán đài để theo dõi ba trận đấu của đội tuyển nước này tại World Cup. Ông chỉ trở về vì CLB Hajduk Split mà mình đang khoác áo khi ấy đã đến ngày hội quân. Trở lại Croatia, Dalic chứng kiến đội nhà thất bại trước Pháp ở bán kết, một thất bại mà ông bảo là khiến ông buồn hết một tháng.
Dalic nói: "Mọi người dân Croatia đều nhớ cái tên Thuram, nhớ đến trận thua 1-2 ấy. Suốt 20 năm qua, chúng tôi vẫn chưa ngừng nói về thất bại ấy".
Dalic chưa từng xem việc phải tái hiện thành tích của thế hệ người hùng năm 1998 là một gánh nặng. Ngược lại, ông muốn các học trò đi theo nguồn cảm hứng ấy. Trong đêm mà Croatia đá trận ra quân với Nigeria, HLV Dalic đã tập trung các cầu thủ lại và chiếu cho họ xem "Vatreni" - bộ phim tài liệu về hành trình giành vị trí thứ ba của Croatia ở World Cup 2018.
"Đấy là một giải đấu kỳ diệu, đẹp đẽ, phi thường, không thể nào quên", nhà vô địch Wimbledon Goran Ivanisevic nói đầu phim.
Chẳng những không lo sợ áp lực hay so sánh, Dalic còn mời Drazen Ladic và Marjan Mrmic - hai thủ môn của Croatia ở World Cup 1998 - vào ban huấn luyện, cùng một cựu tuyển thủ khác là Ivica Olic. Nhưng bây giờ là chung kết, Croatia đã vượt qua cả lịch sử. Họ phải tự bước đi, chứ không còn bất kỳ một nguồn cảm hứng nào nữa.
Trên sân Luzhniki hôm nay, Pháp mạnh hơn Croatia ở mọi mặt. Họ trẻ hơn, khỏe hơn, đá trận bán kết thong dong hơn và có nhiều hơn một ngày nghỉ. Ngược lại, thứ vũ khí duy nhất ở Croatia chỉ là khí phách của những kẻ không biết sợ. Như trong trận bán kết với Anh, các cầu thủ đã rã rời, nhưng Dalic không dùng một quyền thay người nào mãi cho đến khi vào hiệp phụ. "Tôi cũng muốn thay, nhưng không ai muốn ra nghỉ cả, nên tôi tôn trọng họ", Dalic lý giải. "Nếu là tôi, chính tôi cũng chẳng muốn ra".
Trước trận chung kết AFC Champions League năm 2016, Dalic đã nói với đội bóng của ông: "Bây giờ chúng ta có cơ hội để chơi thứ bóng đá tốt nhất của mình. Hãy chiến đấu, đừng căng thẳng, vì chúng ta tiến lên để sống trong những trận cầu kích thích như thế này".
Khi đó, HLV sinh năm 1966 đâu biết rằng chỉ hai năm sau, ông đứng trước cơ hội bước lên tột đỉnh vinh quang ở World Cup.
Và bây giờ Dalic cần một bài diễn văn lay động hơn thế.
*Không khí lễ hội ở Croatia
Hoài Thương