- Sau khi chuyển giao quyền sở hữu từ bầu Hiển, Sài Gòn FC lập tức trải qua nhiều biến động, mà đáng kể đầu tiên là việc HLV Hoàng Văn Phúc từ chức sau chỉ một vòng đấu ở V-League 2020. Nguyên nhân là vì đâu?
- Anh Phúc chủ động nộp đơn chứ CLB không sa thải. Có người nói nguyên nhân là anh ấy không hợp với đội ngũ lãnh đạo mới. Nhưng nói thế nào là quyền của họ. Khi tại chức, anh Phúc là HLV trưởng nên được toàn quyền quyết định về chuyên môn. Anh ấy xây dựng lối chơi như thế nào, ai thi đấu ở đâu, vị trí nào... là quyết định của anh ấy. Còn tôi, với tư cách là Chủ tịch, chỉ góp ý với mục đích xây dựng đội bóng của mình.
- Trong lịch sử V-League, chưa ghi nhận trường hợp nào vừa làm Chủ tịch vừa làm HLV. Ông nghĩ sao về sự khác thường này?
- Tôi được mời về làm Chủ tịch khi Sài Gòn FC chuyển giao, với nhiệm vụ xây dựng định hướng phát triển cho CLB. Khi anh Phúc xin nghỉ, lãnh đạo CLB thấy rằng các trợ lý còn non kinh nghiệm và rất khó tìm một HLV khác, trong khi tôi có nhiều yếu tố phù hợp để ngồi vào vị trí đó. Các anh ấy vì vậy đã động viên rất nhiều, nên tôi mới nhận lời kiêm nhiệm.
15 năm qua, tôi rời xa sân cỏ V-League nhưng ở Mỹ, tôi vẫn gắn liền với công tác huấn luyện bóng đá học đường. Niềm đam mê với bóng đá luôn sôi sục trong tôi.
Tôi đã trải qua nhiều đời làm trợ lý cho các HLV ngoại Việt Nam. Tôi cũng từng là trưởng bộ môn bóng đá của TP HCM và là giảng viên bóng đá cho Liên đoàn bóng đá châu Á AFC. Ngoài ra, tôi là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam có bằng huấn luyện chuyên nghiệp quốc tế... Đó là chưa kể việc tôi từng làm HLV trưởng ở giải hạng Nhất hay Giám đốc kỹ thuật một số đội bóng V-League. Bởi thế, tôi không xa lạ gì chuyện cầm quân. Tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các vị trí mình đã trải qua để áp dụng vào công tác huấn luyện.
Đối với Sài Gòn FC, tôi đã nghiên cứu rất kỹ. Ngay cả khi vừa ra mắt, tôi đã thuộc mặt biết tên các cầu thủ. Tôi đã trải qua nhiều tháng sinh hoạt cùng họ nên dễ dàng nắm bắt khi ra sân.
- Chỉ sau ba ngày cầm quân, ông đã cùng Sài Gòn FC giành chiến thắng 4-1 ngay trên sân Đà Nẵng. Đâu là mấu chốt cho một kết quả ấn tượng như vậy?
- Đầu tiên, đó là nỗ lực và công sức của các cầu thủ. Họ đã chiến đấu hết mình. Còn tôi, với vài ngày ngắn ngủi, chỉ mới thay đổi được một chút về lối chơi. Tôi buộc các cầu thủ đá nhỏ, đá ngắn chứ không được chơi bóng dài. Tôi muốn xây dựng Sài Gòn FC bằng thứ bóng đá ban bật, phối hợp nhóm nhỏ như các đội bóng Sài Gòn thời trước. Nhưng tất nhiên, đá đẹp cũng phải hiệu quả nữa.
Trước khi đấu với Đà Nẵng, tôi dành hơn một tiếng để quán triệt tinh thần, ra đấu pháp với các cầu thủ. Tôi muốn họ phải hiểu được Sài Gòn FC bây giờ là của người Sài Gòn, dù đến từ đâu họ cũng thuộc về Sài Gòn FC nên cần đá vì đội bóng của mình. Tôi không xây dựng đội bóng dựa vào một ngôi sao nào hết mà tập thể của chúng tôi là một ngôi sao.
- Có những lo ngại cho rằng Sài Gòn FC dễ bị o ép khi không còn thuộc nhóm "những đội bóng nhà bầu Hiển" nữa. Ông nghĩ sao về điều này?
- Sài Gòn FC là đội bóng chất lượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi bắt buộc phải cạnh tranh chức vô địch. Chính vì vậy, chúng tôi không ngại chuyện nọ chuyện kia. Chỉ những đội đua vô địch hoặc tranh vé xuống hạng mới sợ bị đánh hội đồng. Ví dụ như trận thắng Đà Nẵng vừa qua. Chúng tôi không còn liên quan gì với bầu Hiển nên thi đấu không khoan nhượng và kết quả đã chứng minh những thay đổi bước đầu của CLB.
- Vậy mục tiêu của Sài Gòn FC mùa này là gì?
- Chúng tôi là một đội bóng tốt, nên đặt mục tiêu vào top 5. Nhưng cuối mùa đứng thứ 6, thứ 7 cũng không sao nếu các cầu thủ thực sự nỗ lực.
Sở hữu Sài Gòn FC bây giờ là các ông chủ bản địa, nên chúng tôi phải tái cấu trúc lại đội bóng theo hướng lâu dài và có bản sắc. Mục tiêu trước mắt là tham dự các lứa U15, U17, U19, U21 dù đa số vẫn phải đi mượn cầu thủ. Nhưng chúng tôi phải làm quen với việc phát triển bóng đá trẻ. Còn dài hạn, chúng tôi sẽ hợp tác cùng Tokyo FC (Nhật Bản) để mở học viện bóng đá và phát triển bóng đá học đường. Có làm được như vậy, chúng tôi mới có được lực lượng kế thừa và phát triển bền vững CLB trong tương lai. Tất nhiên, phải mất năm đến bảy năm nữa, chúng tôi mới có được lứa cầu thủ "cây nhà lá vườn".
Đức Đồng