Hôm qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh thông cáo về việc bắt giữ 10 người có hành vi tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra vào ngày 4/5 tại một khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Trong đó có năm cầu thủ thuộc CLB Hà Tĩnh là tiền vệ Đinh Thanh Trung, tiền vệ Nguyễn Trung Học, thủ môn Dương Quang Tuấn, trung vệ Nguyễn Ngọc Thắng và hậu vệ Nguyễn Văn Trường.
Ngoại trừ Văn Trường thuộc biên chế đội trẻ, những cầu thủ còn lại đều đã hoặc đang là trụ cột của Hà Tĩnh - đội bóng đang thi đấu ở V-League 2023-2024.
Chiều cùng ngày, Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ra quyết định cấm thi đấu vô thời hạn với nhóm cầu thủ kể trên. Điều này đồng nghĩa với việc họ không được tham dự bất cứ giải đấu nào của VFF, cho đến khi có quyết định thay thế.
Sau trận thắng Công an Hà Nội 2-0 ở vòng 17, HLV Văn Sỹ Sơn của Quảng Nam cho rằng để ngăn chặn tình huống tương tự, các đơn vị tổ chức bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam cần kiểm tra doping cầu thủ. "Cách đây vài năm, bóng đá chuyên nghiệp đã kiểm tra doping cầu thủ, nhưng V-League vẫn chưa thực hiện", ông Sơn nói. "Tôi nghĩ VFF, Ban tổ chức giải cần làm ngay để ngăn ngừa tình trạng cầu thủ sử dụng chất cấm. Nếu đưa ra quy chế rõ ràng, khi kiểm tra phát hiện, ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm".
Ông Sơn vốn rất nghiêm khắc với cầu thủ. Đầu năm 2024, ông từng kỷ luật tiền đạo trẻ Nguyễn Đình Bắc, chuyển xuống đội trẻ tập luyện vì vi phạm kỷ luật. Cựu hậu vệ trái tuyển Việt Nam cho rằng, ngoài chuyện trui rèn chuyên môn, cầu thủ cần ý thức được nghề nghiệp của mình chứ không ai có thể theo kèm mãi được. Theo nhà cầm quân người Nghệ An, muốn có một môi trường bóng đá chuyên nghiệp thì điều trước tiên là cầu thủ phải chuyên nghiệp. "Bóng đá là nghề kiếm ra nhiều tiền. Nếu chơi tốt, trở thành ngôi sao, các cầu thủ còn được tôn sùng, tôn trọng rất lớn. Do đó họ phải ý thức, tự giác với nghề của mình. Họ phải giữ mình trước mọi cám dỗ, những cuộc chơi độc hại", ông nói, thêm rằng để tránh xa được tệ nạn, các cầu thủ cần hoàn thiện chính mình, trước tiên phải là con ngoan của bố mẹ, là chồng tốt đối với vợ và là người cha gương mẫu, trách nhiệm với con cái.
Trước vụ Hà Tĩnh, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ bê bối liên quan đến chất cấm. Năm 2004, cầu thủ trẻ Nguyễn Văn Ý từng bị đuổi khỏi SLNA vì tội ăn cắp và liên quan đến nghiện hút. Ba năm sau, đội trưởng U19 SLNA là Lưu Văn Hiền cùng Nguyễn Hồng Việt bị bắt quả tang đang chích ma túy trong phòng riêng. Cùng năm đó, tiền vệ Nguyễn Xuân Thành của Hà Nội ACB bị bắt và khởi tố vì tội tàng trữ trái phép cả chục viên thuốc lắc khi đang chuẩn bị sử dụng ở vũ trường tại Hà Nội. Năm 2008, năm cầu thủ Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC) bị bắt quả tang khi đang sử dụng thuốc lắc ở một khách sạn tại quận 7, TP HCM.
Nhiều trường hợp ngoại binh cũng bị phát hiện dùng chất cấm. Trong đó, chấn động nhất là việc tiền đạo Molina Gaston Eduardo (người Argentina) - khi đó đang chơi cho CLB Bình Dương - chết trong một khách sạn tại quận 1, TP HCM năm 2010 vì dùng ma túy quá liều.
Theo ông Sơn, cầu thủ cũng là con người, vai trò quản lý của CLB, Ban huấn luyện rất lớn nhưng không thể sâu sát mọi lúc mọi nơi, mà điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự thân. "Tôi nhắc lại, kiểm tra doping là giải pháp tốt nhất vì lãnh đạo các đội bóng, ban huấn luyện không phải lúc nào cũng kè kè theo sát cầu thủ để điểm danh được. Do đó, nếu có những biện pháp cứng rắn, chắc chắn cầu thủ sẽ sợ, môi trường sẽ khác vì đa phần cầu thủ Việt Nam là cầu thủ tốt, đi lên từ nghèo khó", ông nhấn mạnh.
Bên cạnh án phạt dành cho nhóm cầu thủ Hà Tĩnh, hôm qua VFF đã gửi công văn tới các CLB chuyên nghiệp đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giáo dục cầu thủ về tác hại của các chất gây nghiện và tuân thủ quy định pháp luật. Họ kêu gọi các CLB chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi sử dụng chất cấm, đồng thời chủ động phối hợp với VFF, các cơ quan an ninh để cùng tham gia ngăn chặn.
Đức Đồng