* Việt Nam - Ấn Độ: 19h ngày mai 17/6.
Ở vòng chung kết U17 châu Á 2023, các đội có thể đá tối đa sáu trận, tương đương ít nhất vào tới bán kết. Việt Nam chạm trán Ấn Độ ở trận đầu tiên được xem là thuận lợi trước khi chạm trán hai đối thủ mạnh hơn là Nhật Bản - nhà vô địch các 1994, 2006, 2018, và Uzbekistan – vô địch năm 2012 và á quân năm 2010.
HLV Hoàng Anh Tuấn coi mỗi trận sắp tới là một bài thi và mong đội hoàn thành tốt ba bài đầu tiên. "Hy vọng chúng tôi sẽ thi tốt những bài tiếp theo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lần này", ông Tuấn nói ở họp báo vào trưa nay 16/6, một ngày trước trận mở màn gặp Ấn Độ trên sân Thammasat, Bangkok.
HLV U17 Việt Nam dành sự tôn trọng cho đối thủ, đồng thời mong khán giả đến sân thật đông. "Khán giả càng đông, tôi càng thấy thoải mái vì đội sẽ thi đấu tốt hơn", HLV Hoàng Anh Tuấn cho hay. "Đương nhiên, các cầu thủ trẻ sẽ không dễ dàng kiểm soát diễn biến tâm lý, nhưng tôi hiểu và tin vào các học trò của mình".
Ở vòng loại vào tháng 10/2022, Việt Nam thi đấu trên sân nhà và giành ngôi nhất bảng F, lần lượt thắng 4-0 Đài Loan, 5-0 Nepal và 3-0 Thái Lan. Trong khi đó, Ấn Độ xếp nhì bảng D, chỉ thua đội nhất bảng Arab Saudi, còn lại thắng Kuwait, Myanmar và Maldives.
VCK U17 châu Á đã trải qua 18 kỳ với Nhật Bản giàu thành tích nhất – ba lần vô địch các năm 1994, 2006 và 2018. Tính cả kỳ này, Việt Nam mới tám lần dự giải với thành tích tốt nhất là vị trí thứ tư năm 2000 của thế hệ Văn Quyết, Như Thuật... Ấn Độ có chín lần dự giải với thành tích tốt nhất là vào tứ kết năm 2002 và 2018.
VCK U17 châu Á 2023 tổ chức tại Thái Lan từ ngày 15/6 đến 2/7 với 16 đội chia làm bốn bảng. Hai đội dẫn đầu mỗi bảng giành quyền vào tứ kết. Bốn đội giành quyền vào bán kết đồng thời giành vé dự VCK FIFA U17 World Cup 2023, tổ chức tại Peru vào tháng 10.
Hiếu Lương